📞

Hôm nay 23/11, Quốc hội nghe và thảo luận 3 dự thảo luật sửa đổi, thông qua 1 Nghị quyết về bất động sản và Luật Di sản văn hóa

Anh Sơn 08:42 | 23/11/2024
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp sáng 22/11

Cụ thể, buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Sau đó biểu quyết thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); thảo luận về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).

* Về Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2024). Sau Kỳ họp, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật (tháng 8/2024) và trình Quốc hội thảo luận tại phiên toàn thể chiều 23/10 vừa qua.

Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng, đáp ứng các mục tiêu đề ra, nhất là thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013, nhằm bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa của dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, bảo đảm tính minh bạch, khả thi và tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, nội luật hóa bảo đảm phù hợp các Công ước của UNESCO về di sản văn hóa mà Việt Nam là thành viên.

Trong đó, dự thảo Luật đã bổ sung những quy định mới về hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu; thay đổi, mở rộng chính sách đối với nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể; bảo vệ di sản văn hóa có nguy cơ mai một, thất truyền; bổ sung việc phân cấp thẩm quyền cho địa phương trong việc bảo quản, sửa chữa nhỏ, tu sửa cấp thiết di tích; quy định, thẩm quyền đối với các công trình thực hiện trong khu vực bảo vệ của di tích và điều chỉnh ranh giới khu vực bảo vệ di tích.

Bên cạnh đó là quy định rõ việc phát huy giá trị di tích; quy định thăm dò, khai quật khảo cổ dưới nước và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước; quy định mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước; đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình, trưng bày bảo tàng công lập; bổ sung quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam; quy định xếp hạng, ghi danh, quản lý di sản văn hóa có địa bàn phân bố từ 2 địa phương trở lên, hồ sơ đa quốc gia; quy định sử dụng, khai thác di sản văn hóa...

Dự thảo Luật nhấn mạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa, chuyển đổi số...

Dự kiến, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua chiều nay 23/11 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

* Về Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”, Quốc hội đã dành gần cả ngày 28/10 để thảo luận với 24 lượt đại biểu phát biểu ý kiến và 9 lượt đại biểu tranh luận.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu giải trình, tiếp thu, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Qua Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề có thể thấy, giai đoạn 2015-2023, thị trường bất động sản đã có những bước phát triển về quy mô, loại hình, số lượng, hình thức huy động vốn và các chủ thể tham gia.

Đến cuối giai đoạn giám sát, có khoảng hơn 3.363 dự án phát triển nhà ở thương mại và khu đô thị đã và đang triển khai thực hiện với quy mô sử dụng đất khoảng hơn 11.191 ha; 413 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 87.700 ha.

Về nhà ở xã hội, có khoảng 800 dự án đã được triển khai với quy mô 567.042 căn, trong đó: 373 dự án đã hoàn thành với quy mô 193.920 căn; 129 dự án đã khởi công với quy mô 114.934 căn; 298 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 258.188 căn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường bất động sản và nhà ở xã hội còn nhiều tồn tại, bất cập, phát triển chưa bền vững, mất cân đối cung - cầu; giá bất động sản còn cao so với thu nhập của đa số người dân; nhiều khu đô thị bỏ hoang; quản lý chung cư mini còn nhiều bất cập; chưa có phương án xử lý, giải quyết hiệu quả các khu chung cư cũ không bảo đảm điều kiện sống cho người dân; nhiều dự án gặp vướng mắc, chậm được triển khai. Các loại hình bất động sản mới gặp nhiều vướng mắc pháp lý, thiếu quy định rõ ràng, cụ thể điều chỉnh.

Việc thực hiện Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021-2030) chưa đạt yêu cầu.

Vì vậy, Đoàn Giám sát kiến nghị Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Trong đó có việc tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan theo hướng tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, rõ ràng của hệ thống pháp luật quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội.