Quốc hội họp tại hội trường ngày 26/6. |
Dự kiến, buổi sáng, các đại biểu Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Thảo luận về dự án Luật Phòng không nhân dân;
Nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về việc sử dụng dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 cho các dự án đầu tư công, sau đó, Quốc hội thảo luận về nội dung này.
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp.
Sau đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
* Về Luật Đường bộ, trước đó tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Đường bộ với 105 lượt ý kiến phát biểu.
Theo đó, các đại biểu Quốc hội đã quan tâm cho ý kiến vào nhiều nội dung cụ thể của dự thảo Luật như nguyên tắc hoạt động đường bộ; chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ; cơ sở dữ liệu đường bộ; các hành vi bị nghiêm cấm; quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ; đầu tư xây dựng công trình đường bộ; nguồn tài chính để đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ; quy định chung đối với đường cao tốc; vận tải đường bộ; quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ, quy hoạch hệ thống đường địa phương, đường đô thị; hệ thống giao thông thông minh; phân loại đường bộ theo cấp quản lý…
Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu ý kiến của đại biểu Quốc hội, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Quá trình tiếp thu, chỉnh lý, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Ban soạn thảo đã thống nhất đề nghị chỉnh sửa nội dung 68 Điều, bỏ 7 Điều, sắp xếp lại vị trí 3 Điều; đồng thời gom nội dung một số điều để xây dựng thành điều mới.
Sau khi chỉnh lý, dự thảo Luật trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách có 86 điều, giảm 6 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình. Ngày 26/3/2024, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 đã thảo luận về dự án luật này.
* Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 6. Tiếp đó, ngày 15/03/2024, tại Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và cho ý kiến chỉ đạo tiếp tục hoàn chỉnh nội dung để trình Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách.Tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách ngày 27/3/2024, đã có 12 ý kiến ĐBQH góp ý vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Các đại biểu Quốc hội, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung quan trọng dự thảo luật.
Theo đó, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý có 9 chương, 88 điều, số chương giữ nguyên và tăng 7 điều do bổ sung 4 điều mới; gộp 4 điều thành 2 điều; tách nội dung của một số điều thành 5 điều khác.
* Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp (Cơ quan chủ trì soạn thảo) và Thường trực Ủy ban Pháp luật nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Dự án Luật tiếp tục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp thứ 31 diễn ra vào ngày 14/3/2024.
Báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho biết, về phạm vi sửa đổi Luật, dự thảo Luật đã bám sát 3 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua khi đề nghị bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, 2024.
Đồng thời, qua tổng kết 5 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản cho thấy, các quy định của Luật hiện hành cơ bản vẫn đang phát huy hiệu quả, tính khả thi trên thực tiễn. Theo đó, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 đã sửa đổi, bổ sung 25 điều, khoản của Luật hiện hành và bổ sung 1 điều mới; các điều, khoản, điểm khác chỉ sửa đổi, bổ sung mang tính kỹ thuật, thay thế từ ngữ, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với việc trích dẫn điều, khoản đã được sửa đổi, bổ sung.
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 42 điều, khoản của Luật hiện hành; tăng 16 điều, khoản so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 nhưng chủ yếu là sửa về mặt kỹ thuật lập pháp, không phát sinh nhiều chính sách mới. Do đó, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản là phù hợp với phạm vi sửa đổi.
* Về dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, ngày 30/5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường.Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, dự thảo Luật liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhất là về ngân sách nhà nước, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, đầu tư, khoa học công nghệ, chính sách đối với người lao động là chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư...
Để thể chế quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, đồng thời, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, vai trò đặc biệt quan trọng của công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trong thực hiện các chiến lược về quốc phòng, quân sự, an ninh quốc gia, dự thảo Luật cần có các chính sách đặc thù, đột phá, cơ chế vượt trội, khả thi để thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung, chỉnh lý nhiều quy định, chính sách đặc thù, vượt trội trong dự thảo Luật theo hướng: Quy định mới một số chính sách chưa được pháp luật quy định; Kế thừa, phát triển các chính sách hiện đã được quy định ở các Pháp lệnh và văn bản dưới Luật và Quy định các chính sách đặc thù, vượt trội hơn so với các chế độ, chính sách hiện hành ở các luật có liên quan.
Phát biểu tại phiên họp, đa số các đại biểu nhất trí bố cục với nhiều nội dung của dự thảo luật và báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời khẳng định công nghiệp quốc phòng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc.
Nhiều ý kiến đề nghị hình thành Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh để tập trung huy động nguồn lực, có cơ chế linh hoạt, chủ động cho xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, nhất là thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, chiến lược, rủi ro cao, đồng thời quy định bảo đảm chặt chẽ, khả thi.
Các đại biểu khẳng định, đây là giải pháp, cơ chế đặc thù, vượt trội, có ý nghĩa chiến lược, nhất là trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có tính cấp bách, nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt, có tính rủi ro cao.