Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc ngày 27/10. |
Theo dự kiến chương trình, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.
Các đại biểu cũng thảo luận việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.
Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Trước đó, ngày 27/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội dành cả ngày làm việc để thảo luận ở hội trường về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý).
Tại phiên thảo luận đã có 42 đại biểu phát biểu, 7 đại biểu tranh luận.
Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo của các Ủy ban của Quốc hội và cho rằng: các báo cáo được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, đầy đủ; nội dung báo cáo đã bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Các ý kiến đại biểu đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành, giám sát hiệu quả, tích cực của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp; do đó việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước đã đạt được những kết quả tích cực.
Việc ban hành kịp thời và triển khai bước đầu có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, nhất là Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các nghị quyết chuyên đề khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cùng với Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đã giúp kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với nhiều kết quả đạt được khá cao.
Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào các nội dung: việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội; cơ chế tự chủ tài chính của cơ sở y tế, giáo dục công lập; vấn đề bảo vệ di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế; việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, vùng đặc biệt khó khăn; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; việc giải ngân vốn đầu tư công; tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, xăng dầu; việc triển khai chính sách bảo hiểm y tế ở một số khu vực; vấn đề nợ, đọng thanh toán bảo hiểm y tế; tình trạng công chức, viên chức trong lĩnh vực y tế, giáo dục nghỉ việc, chuyển việc; vấn đề tinh giản biên chế, tăng học phí trong ngành giáo dục; chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; thực trạng biến đối khí hậu; tình trạng cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khi thực thi công vụ; vấn đề phát triển ngành nông nghiệp; trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai; xử lý các dự án kém hiệu quả; việc đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh; vấn đề thu gom, xử lý rác thải, ô nhiễm môi trường đô thị; việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; công tác xây dựng thể chế đối với ngành công nghiệp hóa chất...
Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội đã đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước trong thời gian tới, như: Chính phủ cần chủ động ứng phó với tình trạng lạm phát; công khai, linh hoạt các kịch bản điều hành lãi suất; dự báo tốt hơn về thị trường tài chính, tiền tệ; có giải pháp tránh thâm hụt cán cân thương mại; thực hiện lộ trình cải cách tiền lương; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; thu hút vốn đầu tư nước ngoài; tránh đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu; cải thiện môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ đối với ngành y tế, giáo dục; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh; xây dựng hạ tầng công nghệ số; công khai, minh bạch trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Các ý kiến đề nghị Chính phủ cần tiếp tục triển khai chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; tăng cường các giải pháp chống ngập lụt, xói lở, biến đổi khí hậu; thực hiện việc gỡ bỏ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu đối với thủy sản Việt Nam; rà soát, ban hành cơ chế, chính sách phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới…
Trong quá trình thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông): Hiện nay quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập, danh mục dịch vụ sự nghiệp cơ bản thiết yếu, tiêu chí cụ thể phân loại điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực còn chậm được ban hành; định mức kinh tế kỹ thuật, đặc biệt là lĩnh vực có số lượng đơn vị sự nghiệp công lập lớn như giáo dục đào tạo, y tế và hướng dẫn cơ chế tự chủ chậm được ban hành hoặc sửa đổi dẫn đến khó khăn trong việc tổ chức lại, thực hiện cơ chế tự chủ theo chủ trương của Đảng và Nghị quyết 56 Quốc hội…
Để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề xuất một số giải pháp: Về mặt thể chế, đề nghị sớm ban hành quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập, danh mục dịch vụ sự nghiệp cơ bản thiết yếu, ban hành tiêu chí cụ thể phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực. Ban hành đầy đủ các định mức kinh tế kỹ thuật ở lĩnh vực có đơn vị sự nghiệp công lập lớn như giáo dục, y tế để tạo điều kiện, tiền đề cho việc thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Sửa đổi định mức biên chế sự nghiệp công lập theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 39 và Hội nghị Trung ương ương 6, khóa XII và đặc biệt là định mức biên chế sự nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, y tế.
Đồng thời khắc phục ngay tình trạng nhiều bộ, ngành chưa sử dụng hết biên chế viên chức nhưng vẫn đề nghị bổ sung thêm và nghiên cứu giao ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập theo kết quả đầu ra mà không phân bổ ngân sách nhà nước theo biên chế được giao.
Đại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa): Phương án tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng/tháng khiến các cán bộ, công chức, viên chức rất phấn khởi. Tuy nhiên, đại biểu tỉnh Thanh Hóa còn bày tỏ sự băn khoăn về mức tăng với người có công. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ nghiên cứu báo cáo Chính phủ đề nghị Quốc hội để tăng mức chuẩn cho đối tượng này, đảm bảo phù hợp với tinh thần Chỉ thị 14 của Trung ương.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk): Qua nghiên cứu báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trong năm 2022, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cho rằng, trong thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm đến việc ngăn chặn buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện nhiều biện pháp hữu hiệu trong công tác này. Tuy nhiên, tình hình tội phạm buôn lậu, buôn hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn và gây ra nhiều ảnh hướng nặng nề.
Đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm và có những biện pháp quyết liệt hơn nữa trong việc phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, đăc biệt là đối với phân bón, vật tư nông nghiệp.
Ngoài ra, đối với việc phát triển năng lượng tại tỉnh Đắk Lắk, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm hơn nữa, ưu tiên bổ sung nguồn năng lượng tái tạo vào Quy hoạch Điện VIII để giúp tỉnh khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo công ăn việc làm, nâng cao mức sống cho người dân vùng biên giới, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới ở các xã có dự án phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.