Nhỏ Bình thường Lớn

Hôm nay 28/5, Quốc hội thảo luận về các dự án Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Luật Thủ đô (sửa đổi)

Hôm nay 28/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Luật Thủ đô (sửa đổi).
Toàn cảnh bầu, lễ tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch nước Tô Lâm
Các đại biểu Quốc hội họp tại hội trường.

Cụ thể, buổi sáng, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Tin liên quan
Đối ngoại trong tuần: Lãnh đạo các nước chúc mừng Chủ tịch nước Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn Đối ngoại trong tuần: Lãnh đạo các nước chúc mừng Chủ tịch nước Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Sau đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Buổi chiều, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

* Về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), đây là dự án Luật lớn, có nhiều chính sách, quy định mới về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, liên quan đến tổ chức và hoạt động của một số cơ quan (như Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Cơ quan Thi hành án dân sự) và liên quan tới nhiều luật khác (như luật tổ chức của một số cơ quan và các luật tố tụng).

Dự án Luật cũng đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, Nghị quyết của Đảng, nhất là về cải cách tư pháp và Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết 27); khắc phục những vướng mắc, bất cập của thực tiễn.

Thường trực Ủy ban Tư pháp cho biết có 10 vấn đề lớn liên quan đến dự thảo luật này. Thứ nhất, về quy định Toà án thực hiện quyền tư pháp (khoản 1 Điều 3), chưa được cụ thể hóa nên còn có cách hiểu khác nhau. Thực tiễn công tác xét xử của các Tòa án cũng đòi hỏi cần làm rõ nội dung này. Do đó, Thường trực Ủy ban Tư pháp tán thành cần quy định nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp trong dự thảo Luật, bảo đảm có cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn.

Thứ hai, việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án (Điều 15), Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, Nghị quyết 27 yêu cầu: “Nghiên cứu, làm rõ... những trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội “yêu cầu chỉnh lý Điều 15 …, trong đó có quy định Tòa án hỗ trợ thu thập chứng cứ và trực tiếp thu thập chứng cứ”, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị: bên cạnh việc quy định Tòa án yêu cầu, hướng dẫn, hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ; kiểm tra, thẩm định tính xác thực của tài liệu, chứng cứ; cần quy định Tòa án trực tiếp thu thập tài liệu, chứng cứ để thể chế hóa Nghị quyết 27 và phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta.

Thứ ba, về đổi mới Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử (khoản 1 Điều 4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội “đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện”, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị giữ nguyên quy định của Luật hiện hành về TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện.

Thứ tư, về Toà án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt (điểm đ khoản 1 Điều 4, Điều 62, Điều 63), Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy: Việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Hành chính, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ và TAND chuyên biệt Phá sản (sau đây gọi chung là các Tòa án chuyên biệt) là cần thiết, trong điều kiện số lượng các vụ, việc này ngày càng gia tăng, đòi hỏi đội ngũ cán bộ chuyên sâu đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế về tư pháp.

Thứ năm, về ngạch Thẩm phán: Thường trực Ủy ban Tư pháp tán thành với đề xuất của Tòa án nhân dân tối cao quy định 2 ngạch Thẩm phán gồm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Thẩm phán. Quy định này cơ bản phù hợp với đặc thù công tác xét xử; khắc phục nhiều vướng mắc, bất cập hiện nay; nâng cao niềm tin của người dân đối với Thẩm phán; khuyến khích Thẩm phán phấn đấu, yên tâm công tác.

Thứ sáu, về quy định tiền lương, phụ cấp của Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Toà án (Điều 142), Luật hiện hành và dự thảo Luật đều quy định Nhà nước có chính sách ưu tiên về tiền lương, phụ cấp đối với Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án.

Do đó, Thường trực Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành dự thảo Luật. Việc ưu tiên về lương, phụ cấp đối với các chức danh tư pháp của Tòa án sẽ được xem xét trong quá trình thực hiện cải cách tiền lương, bảo đảm phù hợp với Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương.

Thứ bảy, về thành lập các Vụ tại Tòa án nhân dân cấp cao trên cơ sở tổ chức lại các Phòng Giám đốc, kiểm tra hiện nay (Điều 51), Thường trực Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành dự thảo Luật, việc thành lập các Vụ tại Tòa án nhân dân cấp cao trên cơ sở tổ chức lại các phòng Giám đốc, kiểm tra là phù hợp với tính chất, số lượng công việc mà các đơn vị này đang đảm nhiệm.

Thứ tám, về nhiệm kỳ Thẩm phán (Điều 100), Thường trực Ủy ban Tư pháp tán thành dự thảo Luật quy định: Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao làm việc đến khi nghỉ hưu; Thẩm phán được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ 5 năm, Thẩm phán được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu.

Thứ chín, về mở rộng nguồn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (khoản 2 Điều 96), Nghị quyết 27 yêu cầu: “Mở rộng nguồn, đẩy mạnh thực hiện cơ chế thi tuyển để bổ nhiệm các chức danh tư pháp”. Thực tiễn công tác xét xử của Tòa án nhân dân tối cao rất cần những chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về pháp luật chuyên sâu để giải quyết các vụ việc ngày càng phức tạp trong tình hình mới. Do đó, Thường trực Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành dự thảo Luật.

Thứ mười, về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp (khoản 3 Điều 141), đa số Thường trực Ủy ban Tư pháp thấy rằng: tại phiên tòa, việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh là bảo đảm hoạt động thông tin theo quy định của pháp luật; nhưng đồng thời, phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân, góp phần bảo đảm tính tôn nghiêm tại phiên tòa, tạo điều kiện cho Hội đồng xét xử điều hành tốt phiên tòa.

Do đó, tiếp thu ý kiến của ĐBQH và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “yêu cầu nghiên cứu, rà soát nội dung này, bảo đảm tính khả thi, tạo thuận lợi cho các cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình”, Thường trực Ủy ban Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao thống nhất đề xuất chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh… trong thời gian tuyên án, công bố quyết định; trường hợp cần thiết thì Tòa án ghi âm lời nói, ghi hình ảnh diễn biến phiên tòa, phiên họp…

* Về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ngày 14/3, tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo các quy định của một số luật và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung hai nội dung mới trong nguyên tắc áp dụng pháp luật theo hướng: Xác định rõ trong trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với Luật Thủ đô về cùng một vấn đề và quá trình triển khai áp dụng quy định này sẽ thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô nhưng việc áp dụng lại chưa được quy định cụ thể trong luật, nghị quyết đó thì UBTVQH quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ (khoản 3).

Để khắc phục vướng mắc trong thực tiễn áp dụng Luật Thủ đô năm 2012 và một số nghị quyết của Quốc hội thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương hiện đang được triển khai, dự thảo Luật quy định: Trường hợp có sự khác nhau giữa văn bản quy định chi tiết hoặc văn bản ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao theo quy định của Luật Thủ đô với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản quy định chi tiết, văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô (khoản 4).

Về tổ chức chính quyền đô thị (Chương II), dự thảo luật phân quyền cho HĐND thành phố Hà Nội quy định tiêu chí thành lập và quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND Thành phố (không bị giới hạn bởi quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ, cơ quan ngang Bộ về các nội dung liên quan nhưng phải bảo đảm phù hợp yêu cầu về mục tiêu, nhiệm vụ quản lý nhà nước, mục tiêu cải cách hành chính nhà nước và không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn) (khoản 4 Điều 9).

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng xác định Thường trực HĐND Thành phố hoạt động chuyên trách và có không quá 11 thành viên (dự thảo Luật trình Quốc hội quy định không quá 09 thành viên), số lượng thành viên cụ thể do HĐND Thành phố quyết định (khoản 2 Điều 9).

Phân quyền trực tiếp cho Thường trực HĐND Thành phố quyết định và báo cáo HĐND Thành phố tại kỳ họp gần nhất một số vấn đề cấp bách để bảo đảm tính kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn (khoản 5 Điều 9).

Dự thảo Luật giao quyền chủ động cho HĐND Thành phố quyết định số lượng, tên gọi, phạm vi lĩnh vực phụ trách, số lượng thành viên các Ban của HĐND; đổi mới cách quy định về số lượng Phó Trưởng ban theo hướng bình quân không quá 2 Phó Trưởng ban trên một Ban; bổ sung quy định Ban có bộ phận hoạt động chuyên trách để giải quyết các công việc thường xuyên trong thời gian Ban không họp (khoản 3 Điều 9).

Tăng cường tổ chức bộ máy cho HĐND quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố theo hướng HĐND ở những đơn vị hành chính này có 2 Phó Chủ tịch, không quá 9 đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách và được thành lập không quá 3 Ban; Ban có thể có Ủy viên hoạt động chuyên trách (khoản 1 và khoản 2 Điều 11).

Về các nội dung phân quyền cho thành phố Hà Nội trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng phân quyền mạnh hơn, xác định rõ phạm vi, trách nhiệm của chính quyền thành phố Hà Nội trong một số lĩnh vực.

Cụ thể, dự thảo luật giao HĐND Thành phố quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của Thành phố (khoản 3 Điều 17), các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù giao Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết.

Dự thảo luật phân quyền cho UBND Thành phố phê duyệt dự án xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn Thành phố bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về đê điều (khoản 6 Điều 18), Luật Đê điều giao Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Thêm vào đó, dự thảo luật phân quyền cho cơ quan chuyên môn về du lịch thuộc UBND Thành phố cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; thẩm định, công nhận, công bố, kiểm tra, thu hồi quyết định công nhận, thay đổi hạng cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao, 5 sao (khoản 7 Điều 21), Luật Du lịch giao thẩm quyền này cho Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.

Phân quyền cho UBND Thành phố quyết định thành lập, mở rộng khu công nghệ cao, ban hành quy chế hoạt động của các khu công nghệ cao do UBND Thành phố thành lập (điểm a khoản 1 Điều 24).

Dự thảo luật cũng phân quyền cho cơ quan chuyên môn về y tế thuộc UBND Thành phố thẩm định, cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý của UBND Thành phố được áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài cho phép áp dụng tại nước ngoài (khoản 5 Điều 26), Luật Khám bệnh, chữa bệnh giao Bộ Y tế.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Bầu Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Bầu Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026

Trong ba ngày làm việc đầu tiên (20-22/5), Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành công tác nhân sự: bầu Chủ ...

Vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính: Quốc hội đề nghị dành mọi ưu tiên cứu chữa người bị thương, kịp thời giúp đỡ gia đình bị nạn

Vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính: Quốc hội đề nghị dành mọi ưu tiên cứu chữa người bị thương, kịp thời giúp đỡ gia đình bị nạn

Quốc hội đề nghị Bộ Công an, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các lực lượng chỉ đạo nhanh chóng khắc phục ...

Đại biểu Quốc hội: Không thể chỉ làm rốt ráo mỗi khi có vụ cháy thương tâm nào đó xảy ra rồi lại bị trôi đi...

Đại biểu Quốc hội: Không thể chỉ làm rốt ráo mỗi khi có vụ cháy thương tâm nào đó xảy ra rồi lại bị trôi đi...

Từ vụ cháy tại phố Trung Kính (Hà Nội), ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, chúng ta không thể chỉ làm rốt ráo mỗi ...

Hôm nay 27/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo luật tác động lớn hệ thống an sinh xã hội-Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Hôm nay 27/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo luật tác động lớn hệ thống an sinh xã hội-Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Hôm nay 27/5, Quốc hội dành cả ngày làm việc thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau ...

Lãnh đạo các nước chúc mừng Chủ tịch nước Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Lãnh đạo các nước chúc mừng Chủ tịch nước Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Nhân dịp đồng chí Tô Lâm được Quốc hội khoá XV bầu giữ chức Chủ tịch nước, lãnh đạo các nước Indonesia, Canada, Kuwait, Thụy ...