📞

Hôm nay (5/10), FTA Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu bắt đầu có hiệu lực

15:06 | 05/10/2016
Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu đặt mục tiêu tăng kim ngạch thương mại song phương gấp 4 lần hiện nay, đạt 10 - 12 tỷ USD vào năm 2020.

Ngày 5/10, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (FTA VN-EAEU) đã chính thức có hiệu lực.

Tại cuộc họp báo thông tin về sự kiện quan trọng này, Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam K.V.Vnukov cho biết, kết quả của việc khởi động cơ chế này là Việt Nam sẽ có được quyền tiếp cận có tính ưu đãi đối với một thị trường chung rộng lớn và đầy triển vọng của năm nước trong EAEU (bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan) với tổng GDP gần 2,2 nghìn tỷ USD với khoảng 183 triệu người tiêu dùng. Ngược lại, trên cơ sở các ưu đãi, 5 nước EAEU sẽ có thể xúc tiến các sản phẩm của mình vào thị trường hơn 90 triệu dân của Việt Nam.

Ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ áp dụng 0% thuế hải quan cho các nhà cung cấp từ EAEU đối với 59% các hàng hóa. Sau giai đoạn chuyển tiếp, hầu như toàn bộ sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp xuất khẩu đến Việt Nam từ các nước EAEU sẽ được miễn thuế. Giai đoạn này sẽ không kéo dài quá 10 năm.

Đại sứ Nga (đứng) và Đại sứ các nước thành viên EAEU bao gồm Kazakhstan, Armenia, Belarus và Kyrgyzstan. (Ảnh: T. Trúc)

Đại sứ Nga tại Việt Nam K.V.Vnukov nhấn mạnh, chưa từng có hiệp định tương tự được ký kết giữa EAEU và một quốc gia nước ngoài. Mục tiêu là nhằm gia tăng khối lượng thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, công nghệ, sử dụng nguồn nhân lực có chuyên môn.

“Trên cơ sở tương hỗ sẽ giảm hoặc đưa về 0% gần như 90% mức thuế xuất hải quan nhập khẩu. Trong đó có 59% được giảm thuế ngay sau khi hiệp định bắt đầu có hiệu lực và 30% được giảm thuế trong giai đoạn chuyển tiếp đối với khoảng 10.000 hàng hóa” – ông Vnukov nói.

Ngoài ra, Hiệp định cũng quy định việc bảo vệ các quyền đối với các đối tượng của sở hữu trí tuệ, xác định các hướng đi trong hợp tác trong lĩnh vực thương mại điện tử, mua sắm chính phủ, thiết lập các nguyên tắc thống nhất về bảo vệ cạnh tranh, quy cách hóa các thủ tục hải quan.

Cùng với Hiệp định này thì Nghị định thư song phương về việc thành lập tại Việt Nam các dây chuyền lắp ráp sản xuất ô tô các nhãn hiệu nổi tiếng của Nga như Kamaz, Gaz và các nhãn hiệu khác. Những xe ô tô này dự kiến sẽ được tiêu thụ không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước ASEAN.

Đồng tình với quan điểm trên, Đại sứ Kazakhstan Beketzhan Zhumakhanov cho rằng, Hiệp định có hiệu lực sẽ mở ra một giai đoạn mới trong phát triển quan hệ thương mại song phương, góp phần tạo thêm động lực để tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EAEU.

Nhấn mạnh những ưu điểm của Hiệp định, Đại sứ Armenia Vardanyan R. G. khẳng định, sau khi Hiệp định chính thức có hiệu lực pháp lý, các bên cần phải nỗ lực gấp đôi trong việc thực hiện thành công của bản Hiệp định. “Điều đó có nghĩa là thâm nhập vào bản chất của các cơ chế nội bộ, nguyên tắc hoạt động và đáp ứng kịp thời với những ưu tiên quan trọng như - giảm tệ quan liêu, số lượng giấy phép, và các văn bản khác”, Đại sứ nhấn mạnh.

Theo ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - Bộ Công Thương, đây là hiệp định đầu tiên được ký ở cấp Nhà nước, cũng là hiệp định toàn diện không chỉ mở cửa về hàng hóa mà cả dịch vụ và đầu tư, nên được kỳ vọng sẽ tạo đột phá mới trong quan hệ kinh tế Việt Nam với các nước Á - Âu.

FTA VN - EAEU giữa một bên là Việt Nam và bên kia là các quốc gia thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu bao gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan) đã được khởi động từ tháng 3/2013. Qua hai năm đàm phán với 8 phiên chính thức, ngày 29/5/2015, bên lề Thủ tướng chính phủ các nước đã thay mặt Nhà nước chính thức ký Hiệp định này tại Kazakhstan.

Số liệu từ Cơ quan Hải quan Nga, năm 2015, kim ngạch thương mại song phương đạt 3,9 tỷ USD, chỉ tăng 4%. Nhưng trong 7 tháng đầu năm 2016 con số này đã đạt 2 tỷ USD, vượt 11% so với năm trước. Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ nhất trong danh sách các đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong số các nước ASEAN.