Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường ngày 6/11. |
Buổi sáng, Quốc hộithảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia là dự án 1 luật sửa 7 luật.
Ngày 29/10, các đại biểu Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra, đồng thời tiến hành thảo luận tại tổ về dự án 1 luật sửa 7 luật này.
Dự án Luật được kỳ vọng sau khi được thông qua (tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) sẽ góp phần hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế, tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế.
Đối với Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đề xuất hoàn thiện quy định để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý thuế, tăng cường trách nhiệm công vụ để đảm bảo công bằng, bình đẳng, minh bạch, thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật.
Trong đó, đề xuất sửa đổi các quy định về mức tiền phải trả lãi, quy định về nguyên tắc quản lý thuế, thẩm quyền hoàn thuế, quy định về hoàn thành nghĩa vụ thuế trong trường hợp xuất cảnh; quy định về biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế…
Ngoài ra, việc sửa đổi cũng tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội thông qua mở rộng cơ sở thu, chống thất thu thuế, nhất là hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, phục vụ tốt nhất cho người nộp thuế...
Với Luật Dự trữ Quốc gia, Bộ Tài chính đề xuất phân cấp thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ quyết định ngân sách Trung ương mua bù hàng dự trữ quốc gia; xuất hàng dự trữ quốc gia phục vụ đối ngoại của Đảng, Nhà nước.
Đối với Luật Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính đề xuất sửa bổ sung các quy định về cơ chế cho phép các địa phương sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của ngân sách cấp trên trực tiếp trên địa bàn, đặc biệt là các dự án có tính chất vùng và liên vùng; quy định rõ nội dung chi NSNN thực hiện một số nhiệm vụ từ cả nguồn chi đầu tư và thường xuyên cũng như quy định nội dung chi đầu tư phát triển theo quy định của Luật Đầu tư công và nội dung chi đầu tư phát triển khác…
Với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công, đồng thời đảm bảo việc áp dụng pháp luật đồng bộ, thống nhất giữa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công với các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan.
Đối với Luật Chứng khoán, theo Bộ Tài chính, sự phát triển nhanh chóng của thị trường chứng khoán kéo theo sự phát sinh một số bất cập, vướng mắc cần được xem xét, sớm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật nhằm khắc phục kịp thời những hạn chế, rủi ro trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, tháo gỡ khó khăn, cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Một số đề xuất sửa đổi, bổ sung liên quan đến luật này bao gồm các quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo; về hành vi thao túng thị trường chứng khoán; về chào bán chứng khoán; về công ty đại chúng, về tổ chức, triển khai các hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm; hoàn thiện các quy định nhằm mục tiêu thúc đẩy việc nâng hạng thị trường chứng khoán…
Với Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập; sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động kiểm toán độc lập; bổ sung quy định về đăng ký, hành nghề kiểm toán...
Bộ Tài chính đề xuất các quy định liên quan đến áp dụng chuẩn mực quốc tế về kế toán và xây dựng khuôn khổ pháp lý cho việc áp dụng chuẩn mực này tại Việt Nam; các quy định hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ…
Về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), ngày 21/10, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật. Các đại biểu cho rằng, Luật Điện lực năm 2004 được sửa đổi, bổ sung qua 4 lần, sau gần 20 năm triển khai thi hành đến giai đoạn hiện nay còn tồn tại một số vấn đề cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.
Sửa đổi Luật Điện lực cũng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển điện lực với tính chất là ngành kết cấu hạ tầng kỹ thuật quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, phát triển bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, dự thảo Luật kế thừa và có sửa đổi chủ yếu 62 điều về quy định chung, cấp giấy phép hoạt động điện lực, thị trường điện, mua bán điện, giá điện, quyền và nghĩa vụ của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện, bảo vệ công trình điện lực và an toàn điện, bỏ 4 điều, gộp 4 điều vào các điều khác.
Bổ sung 68 điều gồm các nội dung về quy hoạch phát triển điện lực, chính sách đấu thầu chủ đầu tư các dự án nguồn điện, chính sách xử lý các nguồn điện khẩn cấp, chính sách phát triển và vận hành các dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng khí, dự án nguồn điện đầu tư theo phương thức đối tác công tư áp dụng loại hơp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao, các chính sách về năng lượng tái tạo, năng lượng mới với điều kiện tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp, cơ chế mua bán điện trực tiếp, triển khai đầy đủ các cấp độ của thị trường điện cạnh tranh, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các thành phần kinh tế, các loại giá điện, giá mua bán điện theo thời gian trong ngày, giá điện nhiều thành phần...
Tham gia thảo luận tại tổ ngày 26/10, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, chúng ta đang đứng trước thách thức rất lớn là thiếu điện; một số nhà đầu tư đã tính toán với tốc độ phát triển như hiện nay, Việt Nam có nguy cơ thiếu điện, nên đã cân nhắc có đầu tư vào Việt Nam hay không.
Vì vậy, bên cạnh môi trường đầu tư tốt kinh doanh thuận lợi, cũng cần tính toán đến sản lượng điện cung cấp cho nền kinh tế, để thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, bài toán đặt ra hiện nay làm sao có đủ năng lượng phục vụ phát triển, do vậy sửa đổi Luật Điện lực cần có tầm nhìn để đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới; cùng với đó, chú trọng ưu tiên phát triển điện sạch, phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; tính toán quy hoạch điện, vận tải điện hài hòa giữa các vùng, miền trong cả nước.
Sau khi Trung ương có ý kiến về chủ trương đầu tư điện hạt nhân, trong Luật Điện lực (sửa đổi) cần đề cập đến nội dung này, trong đó tính toán đến công suất, vị trí, công nghệ như thế nào. Tổng Bí thư nhấn mạnh, thời gian không chờ đợi ai, chúng ta cần chủ động triển khai nhanh chóng, đồng bộ, song song với việc triển khai sẽ tiếp tục hoàn chỉnh, hoàn thiện.