Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp tại hội trường sáng 8/11. |
Dự kiến, buổi sáng, các đại biểu Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Việc làm (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Quốc hội cũng nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trình bày Tờ trình về dự án Luật Nhà giáo; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Nhà giáo.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Nghe Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Nhà giáo và dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Về dự thảo Luật Nhà giáo được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp lần này. Hiện Dự thảo lần 5 trình Quốc hội ngày 17/10/2024 gồm 9 Chương 50 Điều.
Theo đó, Luật lần đầu tiên xác lập các quy định đối với nhà giáo ngoài công lập được xác lập đầy đủ, đồng bộ với tư cách nhà giáo chứ không chỉ là người lao động theo cơ chế hợp đồng lao động.
Luật cũng chuẩn hóa qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; quy định chính sách tuyển dụng, sử dụng gắn với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp; chính sách bảo vệ, thu hút nhà giáo; chính sách tiền lương và đãi ngộ; chính sách quản lý nhà nước về nhà giáo…
Riêng về lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; có chế độ ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác đối với nhà giáo cấp học mầm non; công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; thực hiện giáo dục hòa nhập; là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù; Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Tuổi nghỉ hưu của nhà giáo có quy định riêng phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp. Trong đó, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi. Nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ và nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù được hưởng chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.
Về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, việc đề nghị sửa đổi xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, thị trường lao động, cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp...
Việc sửa đổi Luật góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, nhất là đối với các Luật mới được sửa đổi, bổ sung (Bộ luật Lao động 2019, Luật Cư trú 2020,Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 …); phù hợp các tiêu chuẩn, thông lệ và cam kết trong lĩnh vực việc làm mà Việt Nam tham gia như Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ; Công ước về quyền trẻ em, Công ước về người khuyết tật, các Công ước của Tổ chức lao động quốc tế và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Về một số nội dung cụ thể, Luật bổ sung quy định về đăng ký lao động, bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, sửa đổi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp; bổ sung quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ việc làm theo phương thức thương mại điện tử và quy định về sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia...
Về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, nhằm giải quyết tình trạng nhiều vật chứng, tài sản chưa được xử lý, tồn đọng ở các giai đoạn tố tụng khác nhau trong thời gian dài.
Thực tế này đòi hỏi cần có quy định để xử lý vật chứng, tài sản sớm hơn, không phải đợi đến khi có quyết định đình chỉ hoặc bản án, quyết định của tòa án, nhằm bảo đảm chống đóng băng tài sản, thất thoát, hao hụt giá trị của vật chứng, tài sản; bảo vệ người thứ ba ngay tình; kịp thời thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước và khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.
Tại dự thảo, Viện KSND tối cao đề xuất nhiều chính sách mới về xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết vụ việc, vụ án. Trong số này, có xử lý vật chứng, tài sản là tiền để bồi thường thiệt hại hoặc để bảo đảm thi hành bản án, quyết định của tòa án.