📞

Hôm nay (ngày 14/6), Quốc hội thông qua Luật Cảnh sát cơ động, thảo luận dự án Luật: Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Phòng, chống bạo lực gia đình

Hoàng Nam 06:30 | 14/06/2022
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 3, hôm nay ngày 14/6, Quốc hội thông qua Luật Cảnh sát cơ động; thảo luận dự án Luật: Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Phòng, chống bạo lực gia đình…
Hôm nay ngày 14/6, Quốc hội thông qua Luật Cảnh sát cơ động; thảo luận dự án Luật: Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Phòng, chống bạo lực gia đình... (Ảnh: Văn Điệp)

Theo dự kiến chương trình, buổi sáng Quốc hội biểu quyết thông qua: Luật Cảnh sát cơ động; Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Ngày làm việc được truyền hình trực tiếp trên sóng của Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Trong phiên làm việc chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

* Về dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, ngày 26/5, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và sau đó tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật này.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động gồm 5 chương, 33 điều, trong đó quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động như: kinh phí, cơ sở vật chất, ưu tiên đầu tư trang bị hiện đại, nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ cho các hoạt động của Cảnh sát cơ động; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Cảnh sát cơ động.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, đã có 21 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu tại hội trường và 01 ý kiến tranh luận.

Về cơ bản các vị đại biểu Quốc hội nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều nội dung của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, các đại biểu còn tập trung thảo luận 4 nội dung trọng tâm.

Sau phiên họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan tổng hợp đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội đồng thời chỉ đạo Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo, Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu chỉnh lý thấu đáo, đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội trình Quốc hội thông qua.

* Về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được ban hành nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp này gồm 6 chương, 62 Điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung 42 Điều trong Luật hiện hành; xây dựng mới hoàn toàn 17 Điều; bỏ 3 Điều, so với Luật hiện hành tăng 16 Điều.

Nội dung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tập trung vào ba nội dung chính trong các chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 12/12/2020, bao gồm: Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; Cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

* Về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được ban hành giúp hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân là người chủ của đất nước.

Luật cũng bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp; Cụ thể hóa đầy đủ các chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Dự thảo Luật trình xin ý kiến Quốc hội gồm 7 chương, 74 Điều, quy định về những vấn đề chung trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.