Hôm nay ngày 15/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)… |
Theo dự kiến chương trình, buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020.
Sau đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020
Chiều ngày 23/5, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán thu, chi NSNN năm 2020 như sau: Tổng số thu cân đối NSNN là 2.279.735,6 tỷ đồng, trong đó số thu NSNN theo dự toán là 1.510.579,2 tỷ đồng, thu chuyển nguồn năm 2019 sang năm 2020 là 592.648,8 tỷ đồng, thu từ kết dư năm 2019 là 173.819,1 tỷ đồng và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN là 2.688,5 tỷ đồng.
Tổng số chi cân đối NSNN là 2.352.929,8 tỷ đồng, trong đó chi NSNN theo dự toán là 1.709.523,7 tỷ đồng, chi chuyển nguồn sang năm 2021 là 643.406,1 tỷ đồng.
Bội chi NSNN 216.405,6 tỷ đồng, bằng 3,44% GDP, bao gồm: bội chi ngân sách Trung ương là 213.088,6 tỷ đồng, bội chi NSĐP là 3.317 tỷ đồng.
Báo cáo những nội dung cụ thể về quyết toán NSNN năm 2020, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh đề nghị Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020 do Chính phủ trình.
Tại phiên họp ngày 2/6, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc thực hiện chính sách tài khóa năm 2020, trong bối cảnh dịch bênh Covid-19 bùng phát, nền kinh tế đối mặt nhiều thách thức.
Dưới sự sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2020 đạt kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt.
Tuy nhiên, thu ngân sách trung ương không đạt dự toán, kỷ luật kỷ cương tài chính có tiến bộ nhưng chưa nghiêm, quản lý chi tiêu ngân sách còn tồn tại hạn chế chưa được khắc phục triệt để.
Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có giải pháp nâng cao chất lượng quản lý điều hành ngân sách, quản lý chặt chẽ các khoản chuyển nguồn, tạm ứng sử dụng, kết dư ngân sách…
Về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi),
So với phiên bản trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 đã có rất nhiều điểm sửa đổi mới, đa số các quy định được chỉnh lý nhận được sự đồng thuận cao từ phía các vị đại biểu Quốc hội.
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021), các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật; tổ chức hội nghị, làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đối tượng chịu tác động, gửi dự thảo Luật xin ý kiến một số Bộ, ngành, cơ quan liên quan để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn hoàn thiện dự thảo Luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 9 và tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan hữu quan theo quy định.
Tiếp đó, chiều ngày 25/5, Quốc hội đã tiến hành thảo luận hội trường về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Với tinh thần làm việc tích cực, dân chủ, nghiêm túc, khẩn trương, đã có 19 ý kiến phát biểu và 2 ý kiến tranh luận. Các ý kiến phát biểu sâu sắc, trách nhiệm, trên tinh thần xây dựng, có những vấn đề chung và nhiều góp ý cụ thể xuất phát từ thực tiễn của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương.
Các đại biểu Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” chiều ngày 13/6. |
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đã có báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Trên tinh thần cầu thị, Cơ quan soạn thảo đã ghi chép, tiếp thu một cách nghiêm túc, đầy đủ 19 ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội, tập trung vào 4 nhóm vấn đề lớn liên quan đến: Bố cục, kỹ thuật lập pháp; Đề cập sâu hơn, phân tích rõ hơn các chính sách hỗ trợ cho điện ảnh; Phân loại, cấp phép, phổ biến phim trên không gian mạng; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.
Những nội dung còn ý kiến khác nhau sẽ được gửi phiếu xin ý kiến tới từng vị đại biểu Quốc hội làm cơ sở để tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua.
Về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)
Sau khi chỉnh lý còn 96 điều, giảm 7 điều so với Luật hiện hành; ít hơn 2 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, trong đó, bổ sung 1 điều, bãi bỏ 3 điều.
Dự án Luật đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 và được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ với 268 lượt ý kiến, thảo luận tại Hội trường với 34 lượt ý kiến và 8 ý kiến gửi bằng văn bản. Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Xã hội đã phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu ý kiến của đại biểu Quốc hội; gửi Công văn đề nghị Ban soạn thảo phối hợp tiếp thu, giải trình chỉnh lý dự thảo Luật trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội; tổ chức các cuộc làm việc với các cơ quan có liên quan, tổ chức lấy ý kiến tại địa phương, tổ chức rà soát, chỉnh lý dự án Luật...
Đặc biệt, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, với mục tiêu nâng cao chất lượng các dự án Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 ngày 28/3, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận về dự thảo Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi) với nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm,…
Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) là một dự án Luật lớn, có phạm vi rất rộng, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực, địa bàn, đối tượng, cơ quan, đơn vị, tổ chức địa phương. Do đó, trong suốt quá trình hoàn thiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn quan tâm, cho ý kiến vào nội dung trong tâm của dự thảo luật.
Không những vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhiều lần chủ trì họp yêu cầu dự án Luật lần này phải giải quyết được những vấn đề từ thực tiễn, bảo đảm dễ hiểu, dễ thực hiện, đúng các quy định, thể thức yêu cầu khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, với mục tiêu dự án Luật lần này phải là “dự án luật mẫu” của Quốc hội khóa XV.
Tiếp đó, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (sáng ngày 27/5/2022), Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) với 24 ý kiến phát biểu và 4 ý kiến tranh luận.
Với quá trình tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật một cách kỹ lưỡng, cầu thị, dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi ) sau khi được Quốc hội biểu quyết thông qua sẽ kỳ vọng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, đưa công tác thi đua, khen thưởng đi vào thực chất, thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.