📞

Hôm nay (ngày 22/10), Quốc hội thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến 2023 và các dự án luật

Hoàng Nam 06:30 | 22/10/2022
Hôm nay 22/10, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương dự phiên họp.

Cụ thể: Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023;

Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023;

Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Buổi chiều (phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam), Quốc hội nghe: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, tán thành việc kéo dài thực hiện Nghị quyết số 54, song cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần làm rõ lý do, tính thuyết phục để áp dụng việc kéo dài thực hiện cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh.

Theo ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 54, TP. Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội.

Đơn cử, bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016-2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011-2015. Vượt qua 2 năm Covid-19, những tháng đầu năm 2022, kinh tế thành phố tiếp tục hồi phục, bình quân 6 tháng đạt 3,82%.

Cùng với đó, tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP tăng qua các giai đoạn (bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 32,29%, cao hơn so với mức 31,07% bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011-2015).

Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP liên tục tăng qua các năm (bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016-2020 là 38,42%, cao hơn so với mức 33,15% bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011-2015).

Cho rằng việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 là cần thiết, song Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị báo cáo của Chính phủ cần làm rõ lý do, tính thuyết phục, căn cứ phù hợp để áp dụng việc kéo dài thời gian thực hiện.

Hơn nữa, Chính phủ cần dự báo được hiệu quả sẽ mang lại nếu tiếp tục thực hiện thêm 1 năm. Bên cạnh nguyên nhân khách quan do dịch bệnh Covid-19, Báo cáo cần chỉ ra nguyên nhân chủ quan trong tổ chức thực hiện dẫn đến phải kéo dài thời gian thực hiện.

Về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tại phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, kiều bào ta ở nước ngoài; sự quan tâm giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế-xã hội trong 9 tháng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Báo cáo của Chính phủ nhận định tình hình thế giới năm 2023 dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Ở trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề hơn.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đề ra 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó, tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5-6%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1-1,5%...

Để thực hiện các chỉ tiêu này, Chính phủ đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Ngoài ra, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Chính phủ đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế, đồng thời tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu; đẩy mạnh công tác quy hoạch.