Thay mặt cho Tổng thống Joe Biden, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan đã tới viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. |
Trong 3 ngày mở sổ tang, Đại sứ quán đã đón trên 100 đoàn đến viếng và ký sổ tang, trong đó có quan chức cao cấp của chính quyền, ngoại giao đoàn, lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp/tập đoàn lớn của Mỹ, trường Đại học, viện nghiên cứu, tổ chức tôn giáo, người dân Mỹ cũng như đông đảo bà con kiều bào, những người Việt Nam đang làm việc và học tập trên đất Mỹ.
Thay mặt cho Tổng thống Joe Biden, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan đã tới viếng và chuyển lời chia buồn sâu sắc của Tổng thống Biden và người dân Mỹ tới “nhân dân Việt Nam phi thường”. Ca ngợi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là vị lãnh đạo có tầm nhìn xa và đối tác then chốt của nước Mỹ, Cố vấn Sullivan cho rằng “những công lao của Tổng Bí thư đối với Việt Nam, với quan hệ Việt - Mỹ và với thế giới sẽ còn để lại ảnh hưởng trong nhiều năm tới”; “mong muốn những kỷ niệm về Tổng Bí thư sẽ luôn là nguồn sức mạnh nâng đỡ quan hệ hai nước”.
Về phía Bộ Ngoại giao, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Kritenbrink bày tỏ sự trân trọng và lòng biết ơn sâu sắc trước những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với quan hệ hai nước; nhấn mạnh tầm nhìn chiến lược, vai trò lãnh đạo cùng tình cảm chân thành của Tổng Bí thư là cơ sở quan trọng để Việt Nam và Mỹ làm sâu sắc thêm tin cậy chính trị và đạt nhiều thành tựu vượt bậc trong hơn một thập kỷ. Trợ lý Ngoại trưởng Kritenbrink khẳng định Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ cùng các bộ, ngành, cơ quan Việt Nam tiếp nối và phát huy nỗ lực của Tổng Bí thư và các thế hệ lãnh đạo hai bên nhằm vun đắp cho quan hệ hai nước.
Nhiều Bộ, ngành quan trọng như Bộ Quốc phòng, Bộ Thương mại, Đại diện Thương mại, USAID, Cơ quan Tài chính phát triển (DFC)… cũng cử đại diện lãnh đạo đến viếng và ký sổ tang. Ông Chuck Hagel, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, đã tới chia buồn với Đại sứ quán và bày tỏ đánh giá cao đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với quá trình hàn gắn, xây dựng lòng tin và tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ.
Từ Quốc hội, nhiều nghị sỹ, cố vấn cao cấp đã gửi lời chia buồn tới Đại sứ quán, trong đó có Thượng nghị sỹ Jeff Merkley (Dân chủ-Oregon), Thượng nghị sỹ Tammy Duckworth (Dân chủ-Illinois). Trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam, cựu Thượng nghị sỹ Patrick Leahy chia sẻ vẫn nhớ rõ những lần được gặp Tổng Bí thư; tuy hai bên đã chứng kiến chiến tranh từ những góc nhìn khác nhau, song đều mong muốn vượt qua những hậu quả thảm khốc của cuộc chiến và xây dựng một mối quan hệ mới. Thượng nghị sỹ Leahy đánh giá Tổng Bí thư đã đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hoà giải giữa hai nước; nếu không có tầm nhìn và quyết tâm của Tổng Bí thư thì đất nước Việt Nam và quan hệ hai nước sẽ không thể có những tiến triển như ngày hôm nay. Thượng nghị sỹ bày tỏ mong muốn thế hệ hiện nay sẽ tiếp nối sự nghiệp của Tổng Bí thư thúc đẩy hợp tác hai nước phát triển hơn nữa, coi đó là cách tốt nhất để tưởng nhớ và tôn vinh Tổng Bí thư.
Về phía địa phương, Bộ trưởng Ngoại giao bang Maryland thay mặt cho Thống đốc Wes Moore tới Đại sứ quán viếng Tổng Bí thư và ký sổ tang; Thống đốc bang Oregon Tina Kotek cử đại diện bay từ Oregon tới Đại sứ quán để chuyển thư chia buồn và viếng Tổng Bí thư.
Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan chuyển lời chia buồn sâu sắc của Tổng thống Biden và người dân Mỹ tới “nhân dân Việt Nam phi thường”. |
Đông đảo đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Washington D.C. cũng đã tới chia buồn với Đại sứ quán. Đại sứ Lào Sisavath Inphachanh khẳng định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi, chính phủ và nhân dân Việt Nam mất đi một nhà lãnh đạo lỗi lạc, nhân dân Lào mất đi một người bạn thân thiết, một người đồng chí luôn ủng hộ và đoàn kết với nhân dân Lào trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Đại sứ các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc và các đối tác, bạn bè cũng tới viếng và gửi lời chia buồn sâu sắc; nhấn mạnh những cống hiến to lớn của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam sẽ mãi được ghi nhớ.
Về phía doanh nghiệp có đại diện nhiều hiệp hội, tập đoàn lớn của Mỹ như USABC, SIA, USCC, Boeing, Walmart, Nike, VISA, Mariott, Dell, Apple, Intel… Đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) nhấn mạnh “vai trò lãnh đạo của Tổng Bí thư đã để lại một di sản lâu dài là hoà bình và thịnh vượng cho Việt Nam”, “đặc biệt công lao của Tổng Bí thư trong việc củng cố quan hệ hai nước cũng sẽ được nhớ mãi”. Nhiều viện nghiên cứu, trường đại học có uy tín của Mỹ như Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Quỹ Châu Á (Asia Foundation), Trung tâm Stimson, American University… đã tới viếng và ký sổ tang.
Ông Bryan Eyler, Đại diện của Trung tâm Stimson, đề cao vai trò quan trọng của Tổng Bí thư đối với quan hệ Việt - Mỹ, nhắc lại kỷ niệm được gặp Tổng Bí thư năm 2015 và cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức mình cho công cuộc bảo vệ dòng sông Mekong. Một số tổ chức tôn giáo có uy tín ở Mỹ như Hiệp hội truyền giáo Billy Graham, Giáo hội các thánh hữu những ngày sau của Chúa Jesus cũng cử đại diện tới chia buồn và ký sổ tang.
Trong các ngày Đại sứ quán mở sổ tang, đông đảo đại diện bà con kiều bào, những người Việt đang học tập, sinh sống và làm ăn tại Mỹ đã đến viếng và bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư, nguyện luôn ghi nhớ lời dạy của Tổng Bí thư và chung tay phấn đấu xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh. Nhân dịp này, một số đoàn công tác từ trong nước đang có mặt tại thủ đô Washington D.C. cũng đã đến Đại sứ quán viếng và ký sổ tang.
Đại sứ quán đã nhận được nhiều thư, điện và lời chia buồn từ các tổ chức, cá nhân do ở xa hoặc không thể thu xếp đến viếng trực tiếp được. Tại các cuộc gặp với Đại sứ quán và một số đoàn công tác, Lãnh đạo các cơ quan chính quyền, Quốc hội và chính quyền địa phương cũng gửi lời chia buồn và tri ân đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vì những đóng góp không ngừng nghỉ cho quan hệ hai nước. Dịp này, dư luận, báo chí Mỹ đã đưa nhiều tin, bài về sự nghiệp của Tổng Bí thư, đề cao trường phái ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” cũng như những đóng góp của Tổng Bí thư cho quan hệ hai nước.
| Thanh niên, sinh viên kiều bào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Sáng 26/7, đoàn thanh niên, sinh viên kiều bào tham dự Trại hè Việt Nam 2024 đã vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ... |
| Kiều bào về nước xúc động ghi sổ tang kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Trong hai ngày 25 và 26/7, nhiều kiều bào ở các nước trên thế giới đã có mặt ở Hà Nội để ghi sổ tang, ... |
| Vẻ đẹp nhân phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh thức lòng dân và sự đoàn kết Có lẽ chính hình ảnh về cuộc đời tận hiến, thanh sạch và trước những nỗ lực nhằm mang lại một xã hội tốt đẹp ... |
| Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) Dennis Francis bày tỏ lòng thương tiếc và gửi lời chia buồn sâu sắc nhất ... |
| Phái đoàn đại diện Tổng thống Mỹ sang Việt Nam viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố cử một phái đoàn đại diện Tổng thống sang viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. |