Nhiều nữ sinh Iran phải nhập viện với triệu chứng khó thở, ho, đau đầu và buồn nôn. (Nguồn: Dawn) |
Một số hiệp hội giáo viên ở Iran cũng tuyên bố sẽ tổ chức các cuộc biểu tình lớn ở thủ đô Tehran để phản đối các vụ việc.
Kể từ tháng 11/2022 đến nay, ít nhất 30 trường học tại 4 thành phố đã ghi nhận các vụ tấn công bằng chất độc nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân hay thủ phạm.
Trên mạng xã hội tràn ngập những bài viết, hình ảnh và video cho thấy các nữ sinh phải nhập viện với triệu chứng khó thở, ho, đau đầu và buồn nôn. Nhiều bậc phụ huynh lo lắng đã phải cho con em mình nghỉ học ở nhà.
Một số quan chức Iran cho rằng, các triệu chứng này phần lớn là do căng thẳng, trong khi những người khác cho đây là hành vi cố ý và yêu cầu lực lượng an ninh vào cuộc điều tra.
Ngày 3/3, phát biểu trực tiếp trên truyền hình, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nêu rõ: “Đây là một âm mưu nhằm gây bất ổn trong nước. Kẻ thù tìm cách gieo rắc nỗi bất an và sợ hãi cho phụ huynh và học sinh”.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo không nêu rõ kẻ thù là ai hay quốc gia nào cụ thể.
Trước đó, hôm 28/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Iran cho biết, hàng trăm nữ sinh tại nhiều ngôi trường đã bị ngộ độc và một số chính trị gia ở nước này cho rằng, các nạn nhân có thể là mục tiêu của các nhóm tôn giáo vốn phản đối việc dạy học cho nữ sinh.
Theo một số quan chức Iran, trong quá trình điều tra, nhà chức trách phát hiện những thùng nhiên liệu gần một số trường học ở Tehran, Qom và Boroujerd. Cảnh sát đã bắt giữ một số tài xế và xe chở nhiên liệu nghi vấn liên quan các vụ ngộ độc tập thể.
Trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock bày tỏ: “Thông tin về việc các nữ sinh ở Iran bị đầu độc thật sự gây sốc… Các bé gái cần được đến trường mà không phải sợ hãi, dù ở Tehran hay Ardabil. Đây chính là nhân quyền của họ… Tất cả vụ việc phải được điều tra đầy đủ”.
Liên hợp quốc (LHQ) đã ủng hộ lời kêu gọi từ Ngoại trưởng Đức.
Trong khi đó, người phát ngôn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Margaret Harris cho biết, cơ quan này đã liên hệ với cơ quan y tế và chuyên gia y tế của Iran để tham vấn về các vụ việc, đồng thời đang sử dụng nhiều biện pháp để thu thập thêm bằng chứng.
Cơ quan nhân quyền LHQ có trụ sở tại Geneva (Thụy Sỹ) cũng kêu gọi điều tra minh bạch các vụ đầu độc trên.
Bà Ravina Shamdasani, người phát ngôn của Cao ủy nhân quyền LHQ cho rằng, chính phủ Iran nên công khai kết quả điều tra và đưa thủ phạm ra trước công lý.