📞

Hơn 1500 doanh nghiệp chờ đối thoại với 2 Thủ tướng Việt Nam - Nhật Bản

10:17 | 03/06/2017
Nhận định của ông Fujimoto Koji - Giáo sư Khoa nghiên cứu Hợp tác quốc tế trường Đại học Takushoku về hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Nhật Bản.

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 4-8/6.

Chiều ngày 5/6, Thủ tướng sẽ phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp Nhật Bản. Dự kiến cuộc tiếp xúc của Thủ tướng sẽ kéo dài tới 3 giờ. Đây có thể coi là cuộc tiếp xúc dài nhất từ trước tới nay giữa Thủ tướng Việt Nam với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Nhật Bản.

Thủ tướng Abe cũng tham gia vào Hội nghị lần này, khiến cho Hội nghị xúc tiến lần này trở thành Hội nghị lần đầu tiên có sự xuất hiện của hai Thủ tướng cùng lúc. Hiện tại có khoảng trên 1.500 doanh nghiệp đăng ký tham gia, trong đó có hơn 1.300 doanh nghiệp Nhật Bản.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong chuyến thăm chính thức Việt Nam (ngày 16-17/1/2017) (Nguồn: VGP News).

Trong chuyến thăm, sẽ có khoảng hơn 20 văn bản hợp tác sẽ được ký kết, tập trung vào lĩnh vực hợp tác kinh tế. Dự kiến kim ngạch được cam kết trong các văn bản đó sẽ lên tới hơn hơn 10 tỷ USD, bằng con số nhiều năm qua cộng lại. Ngoài ra có một số văn bản thỏa thuận về việc Nhật Bản cấp tàu quân sự cho Việt Nam, 2 dự án viện trợ ODA không hoàn lại trong lĩnh vực an ninh.

Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng, chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần này sẽ chủ yếu thúc đầy hợp tác thực chất trong lĩnh vực kinh tế giữa hai nước.

Để hiểu rõ hơn mục đích của chuyến thăm này, phóng viên đã phỏng vấn ông Fujimoto Koji - Giáo sư Khoa nghiên cứu Hợp tác quốc tế trường Đại học Takushoku Nhật Bản.

Thưa Giáo sư, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đóng góp như thế nào vào quan hệ hai nước Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới?

Theo tôi, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp. Thứ nhất quan hệ chính trị hai nước đang nở rộ. Thứ hai, ở lĩnh vực đầu tư, thương mại tư nhân, quan hệ kinh tế cũng đang phát triển. Nói tới quan hệ kinh tế, nghĩa là nói tới việc hỗ trợ của Nhật Bản đối với các nền kinh tế đang phát triển trong đó có Việt Nam. Và dĩ nhiên, giao lưu văn hóa giữa hai nước cũng rất phong phú.

Chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đóng góp vào tăng cường hợp tác tất cả các lĩnh vực trên, đặc biệt là hợp tác kinh tế.

Xin Giáo sư cho biết lý do nào đã khiến Nhật Bản thời gian qua cũng như trong giai đoạn hiện nay luôn quan tâm tới Việt Nam?

Lý do mà Nhật Bản luôn quan tâm tới Việt Nam vì Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng của Nhật Bản sau Indonesia, Trung Quốc. Hơn thế nữa, sự phát triển của Việt Nam cũng đang đóng góp tích cực vào sự phát triển của Nhật Bản.

Việc Việt Nam trở thành thị trường quan trọng của Nhật Bản, và sự phát triển của từng thị trường khiến hai nước trở thành đối tác thương mại lớn của nhau. Với ý nghĩa đó, giới doanh nghiệp của Nhật Bản và ngay cả giới khoa học chúng tôi cũng có suy nghĩ như vậy.

Về hợp tác thương mại, hiện tại Indonesia là đối tác thương mại quan trọng của Nhật Bản. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại hàng đầu, có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Nhật Bản. Tôi nghĩ rằng, Việt Nam sẽ là đối tác thương mại lớn thứ 3 chỉ sau Indonesia và Trung Quốc.

Mặt khác, Việt Nam là nước có một nguồn nhân lực trẻ dồi dào, có thể đóng góp vào phát triển một nền kinh tế năng động. Nguồn nhân lực trẻ này họ chăm chỉ học tập, có khát khao cống hiến vào sự phát triển thịnh vượng chung của thế giới. Và đây cũng là nguyên nhân khiến Nhật Bản quan tâm tới Việt Nam.

Ông Fujimoto Koji - Giáo sư Khoa nghiên cứu Hợp tác quốc tế trường Đại học Takushoku Nhật Bản.

Hiện tại, tỷ lệ tăng trưởng của Việt Nam đang giảm thấp so với trước. Nhật Bản cũng rơi vào tình trạng suy thoái do dân số già. Vậy hai nước phải hợp tác như thế nào để cân bằng lợi ích?

Nhật Bản là nước có tỷ lệ dân số già khiến tỷ trọng sản xuất giảm, do vậy thế hệ trẻ phải quan tâm tới hoạt động sản xuất. Nếu làm như vậy, Nhật Bản phải xúc tiến đầu tư ra nước ngoài mới có thể làm giàu cho đất nước.

Nghĩa là, đối với những sản phẩm Nhật Bản không thể sản xuất được trong nước, cần phải mở rộng thị trường ra các nước trong khu vực gần với mình như Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ở Việt Nam, với việc hợp tác trong lĩnh vực sản xuất như vậy sẽ trở thành đối tác thương mại quan trọng của Nhật Bản.

Hiện tại, Nhật Bản tập trung vào sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, và Việt Nam cũng phải sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, dựa trên việc học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản. Hai bên dựa trên quan hệ win - win, và Nhật Bản cũng sẽ trở nên giàu có hơn, và nền kinh tế Việt Nam cũng phát triển hơn. Đó là mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau, tạo nên lợi ích chung.

Hiện tại, các doanh nghiệp Nhật Bản đang xúc tiến đầu tư mạnh mẽ đối với Việt Nam, trong đó có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng hiện tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Nhật Bản đang có xu hướng chững lại. Theo ông điều này sẽ gây ra khó khăn gì?

Như tôi đã nói, Nhật Bản đang xúc tiến đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam. Nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ sắp tới có thúc đẩy đầu tư đối với Việt Nam hay không đang là vấn đề chưa có câu trả lời rõ ràng.

Thực ra, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản cũng đang đối mặt với một số khó khăn, nhưng vẫn phải đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển.

Theo dòng lịch sử kinh tế Nhật Bản, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đều tiến hành hoạt động sản xuất tại nước ngoài trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi đầu tư sẽ gặp khó khăn. Chính vì vậy, chính phủ hai nước cần phải hỗ trợ họ.

Robot Humanoid làm việc trong dây chuyền lắp ráp tại một nhà máy của Glory Ltd., ở Kazo, phía Bắc Tokyo, Nhật Bản. (Nguồn: Reuters)

Qua chuyến thăm lần này, Giáo sư có hy vọng gì vào sự hợp tác trong lĩnh vực giáo dục của hai nước - lĩnh vực được coi là cần thúc đẩy trong thời gian tới khi hiện đã có 70.000 học sinh Việt Nam đang du học tại Nhật Bản?

Có một sự kiện đáng chú ý là năm 2016, trường Đại học Việt-Nhật đã bắt đầu tuyển sinh với nhiều ngành học mới được mở ra như chính sách công, khu vực học, khoa học cơ bản...

Hai chính phủ Nhật Bản và Việt Nam đều có trách nhiệm như nhau trong vấn đề giúp trường Đại học này phát triển, giáo dục thế hệ trẻ mà chủ đề chính là giáo dục về bộ môn kinh tế, phát triển bền vững, kỹ thuật... Trường Đại học này có 50% giáo viên của Nhật Bản và 50% giáo viên là người Việt Nam, tương lai sẽ thu hút khoảng 6.000 sinh viên theo học.

Theo tôi, Nhật Bản và Việt Nam đã hợp tác rất tốt trong lĩnh vực giáo dục. Thông qua trường Đại học Việt - Nhật, sinh viên có thể học được những kỹ thuật, kiến thức từ Nhật Bản. Hơn thế nữa, trường có chính sách tuyển lưu học sinh từ các nước gồm cả Nhật Bản tới học, với sự giúp đỡ của hai chính phủ, đặc biệt từ nguồn vốn ODA, hợp tác giáo dục hai nước sẽ phát triển hơn rất nhiều.

Du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản đã tăng nhanh nhiều lần trong mấy năm qua. Điều này đòi hỏi hai nước cần quan tâm, đưa ra nhiều chương trình hợp tác giáo dục. Điều này sẽ có lợi cho Việt Nam trong việc đào tào nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo tôi được biết, chủ đề về hợp tác giáo dục Nhật Bản-Việt Nam cũng sẽ được đề cập trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Abe và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!.

(theo Bùi Hùng-Việt Dũng/VOV-Tokyo)