📞

Hòn đảo “xanh” nhất thế giới

08:00 | 01/05/2017
Những người nông dân ở hòn đảo nhỏ Samso (Đan Mạch) đã biến nơi đây thành nơi có mô hình năng lượng sạch điển hình nhất trên thế giới.

Soren Hermansen và hòn đảo Samso nhỏ bé của ông với dân số chỉ 3.750 người đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới về khả năng tự cung tự cấp năng lượng.

Ông Hermansen, dáng người vạm vỡ, luôn cười rất tươi, từng được tạp chí Time vinh danh là một trong những "Anh hùng Môi trường" năm 2008 cùng với Thống đốc bang California (Mỹ ) khi đó là Arnold Schwarzenegger.

Những tấm pin Mặt Trời của một nhà máy trên đảo Samso. (Nguồn: CSM)

Mục tiêu tự cung cấp năng lượng cho cả hòn đảo đã được hiện thực hóa từ cách đây 10 năm. Giờ đây, năng lượng sử dụng chính thức ở Samso bao gồm cả năng lượng gió, năng lượng mặt trời và năng lượng sinh học. Chính quyền và người dân nơi đây đang nỗ lực để đến năm 2030 sẽ ngừng hoàn toàn việc sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch (như than, xăng dầu).

Ấn tượng nằm ở chỗ, cư dân của Samso đạt được thành tựu như vậy từ những hạng mục đầu tư không hề mới hay xa lạ. Thực tế cho thấy, họ đơn thuần chỉ tập trung vào các công nghệ xanh hiện có và kêu gọi tất cả mọi người cùng đồng lòng hướng tới mục tiêu chung. Hiện tại, nhiều nông dân trên hòn đảo này thậm chí đang kiếm bộn tiền nhờ bán điện năng được sản xuất từ các tuabin gió.

Sự đồng lòng của người dân

Đan Mạch là một đất nước mà người dân có ý thức bảo vệ môi trường cao. Tại thủ đô Copenhagen, xe đạp nhiều hơn ô tô, 40% lượng điện được sản xuất nhờ sức gió, dự kiến đến năm 2022, 50% rác thải sinh hoạt sẽ được đưa vào tái chế. Đảo Samso cũng không là ngoại lệ.

Điều làm cho người dân đồng lòng hướng tới sản xuất và tiêu thụ năng lượng xanh có nguyên nhân từ việc họ lo ngại Chính phủ Đan Mạch sẽ xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở đây.

Ông Soren Hermansen - một trong những người đi đầu phong trào sử dụng năng lượng sạch ở đảo Samso. (Nguồn: CSM)

Ông Hermanse cho biết ông và 20 hộ gia đình khác đã cùng góp vốn đầu tư lắp đặt một tuabin gió loại nhỏ vào đầu những năm 1980. Thời gian sau đó, Hermanse đã tiếp tục phát triển mô hình năng lượng sạch này. Người dân được mua cổ phần ở những dự án như vậy. Ông Hermanse chủ trương xây dựng hệ thống tuabin gió cả ở trên biển lẫn trên đất liền. Thay vì chỉ đặt tại những nơi thuận lợi nhất, những chiếc tuabin còn được cân nhắc lắp dựng tại vị trí sao cho vừa hiệu quả, vừa đảm bảo thẩm mỹ.

Thêm vào đó, chính quyền hòn đảo còn khuyến khích người dân ngừng sử dụng dầu, chuyển sang sử dụng các loại nhiên liệu sạch. Dù các nhà máy địa phương vẫn phát thải khí CO2 nhưng dần dần họ chuyển sang dùng vỏ bào và rơm rạ, hạn chế nhập khẩu dầu.

Để thực hiện mục tiêu không sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong vòng 13 năm tới, tại đây người dân đã hưởng ứng phong trào đi xe điện. Có tới 50% phương tiện giao thông tại Samso là xe chạy điện. Hòn đảo này cũng đã trở thành điểm đến, nơi có tỷ lệ xe ô tô điện trên đầu người cao nhất Đan Mạch.

Cần nói thêm rằng, đảo Samson có điều kiện tự nhiên cực kỳ thuận lợi cho chiến dịch xanh hóa bởi ở đây dân số ít, nhiều gió, và luôn ngập tràn ánh nắng.

Những con cừu đứng bên những tấm pin Mặt Trời của một nhà máy trên đảo Samso. Nhà máy này sử dụng vỏ bào và ánh nắng làm nhiên liệu chính. (Nguồn: CSM)

Đánh trúng lợi ích

Một điều thú vị đáng chú ý nữa là cách mà Hermansen và đồng nghiệp của ông thuyết phục những người nông dân vốn ít quan tâm tới biến đổi khí hậu lại trở thành những người tuyên truyền về môi trường xanh. 

Hermansen cho rằng nói “thao thao bất tuyệt” cho người dân nghe về các vấn đề vĩ mô như sự nóng lên toàn cầu,… sẽ là vô ích ngay cả khi người nghe hiểu về biến đổi khí hậu bởi phần lớn họ cho rằng dù bản thân họ có làm gì thì cũng chỉ như “muối bỏ bể”. Họ sợ biến đổi khí hậu cũng như sợ Chiến tranh Lạnh vậy, và rốt cục sẽ chẳng làm gì cả. Thay vào đó, ông nhắm tới những hướng đi mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân.

Ông Jorgen Tranberg, một người dân sống trên đảo, là một trong những nhà đầu tư đầu tiên làm theo chiến dịch xanh hóa này. Ông đã bỏ ra 870.000 USD để xây dựng chiếc tuabin gió đầu tiên. Sau đó, ông lên kế hoạch chi thêm 4,34 triệu USD nữa để xây dựng các tuabin gió ở khắp châu Âu.

Thời gian đã chứng tỏ hướng đi này là đúng, bởi sẽ không ai ủng hộ hay đầu tư trừ phi họ nhận được các lợi ích về kinh tế. Trong tương lai, sẽ chẳng ai cần đến nguồn dầu mỏ nhập từ Trung Đông nữa khi bản thân họ tự tạo ra được nguồn năng lượng sạch.

Trải qua nhiều năm, chiến dịch độc lập về năng lượng trên đảo Samso đã trở thành bản sắc của Đan Mạch. Trên khắp cả nước, những hoạt động cải thiện môi trường trở thành xu thế và chủ đề bàn luận mở đầu cho mọi câu chuyện tại đây.

(theo The Christian Science Monitor)