Báo cáo của UNICEF về tác động cuộc xung đột đối với trẻ em tại Nam Sudan cho biết, 2 năm sau khi tuyên bố độc lập, quốc gia châu Phi này lại chìm vào một cuộc nội chiến kể từ tháng 12/2013.
Cuộc xung đột đã gây ra cái chết cho hàng nghìn người, phá hủy nhiều bệnh viện, trường học và làm cho đời sống của một số lượng lớn thường dân trở nên tồi tệ hơn
Trẻ en ở Nam Sudan bị lãng quên. (Nguồn: Huffington Post) |
Trong báo cáo, UNICEF nhấn mạnh rằng hơn một nửa số trẻ em ở Nam Sudan phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng, bệnh tật, bị buộc tuyển dụng vào các lực lượng vũ trang, hứng chịu bạo lực và không được đến trường. Theo báo cáo này, những năm tháng biến động và bất ổn gây ra những “hậu quả khôn lường đối với trẻ em” và đe dọa tương lai của cả một thế hệ.
Hiện tại có gần 3 triệu trẻ em đang sống trong tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng và có đến 2,4 triệu trẻ em trong số này đã buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Cũng do ảnh hưởng của cuộc xung đột, 2 triệu trẻ em ở Nam Sudan không được đến trường. Báo cáo của UNICEF nhấn mạnh rằng "nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, thì cứ 13 trẻ em, chỉ có 1 trẻ có thể học hết tiểu học”. Ngoài ra UNICEF cũng nêu con số hơn 900.000 trẻ em bị căng thẳng tâm lý.
Báo cáo của UNICEF cũng cho thấy các lực lượng vũ trang tại Nam Sudan đã tuyển mộ hơn 19.000 trẻ em. Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, hơn 2.300 trẻ em đã bị giết hoặc bị thương và hàng trăm trường hợp trẻ vị thành niên bị hãm hiếp và bị tấn công tình dục. Bà Leila Pakkala, Giám đốc UNICEF tại khu vực Đông Nam và Nam Phi, cho rằng: "Đáng ra không một trẻ em nào phải trải qua những nỗi kinh hoàng và mất mát to lớn đến vậy. Nhưng tiếc thay, trẻ em ở Nam Sudan phải đối diện với những thảm cảnh đó mỗi ngày”.
Trước tình cảnh này, UNICEF kêu gọi rằng trẻ em Nam Sudan phải sớm được hưởng một môi trường hòa bình và an toàn, "nếu không, trẻ em và phụ nữ sẽ ngày càng bị đối xử tàn tệ hơn, chịu đựng những thương tổn nghiêm trọng hơn”.
Các tổ chức nhân đạo ở Nam Sudan đang chờ đợi quyết định của Tổng thống, cho phép những người có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận vô điều kiện các trợ giúp, đi vào hiệu lực một cách trọn vẹn. Trong khi đó, UNICEF đã giúp điều trị hơn 600.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng.
Kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng, UNICEF đã tiêm phòng sởi cho hơn 3,3 triệu trẻ em, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho hơn 3,6 triệu trẻ và cung cấp nước sạch cho 1,8 triệu người. Để tiếp tục thực hiện các công tác nhân đạo trong năm 2018, UNICEF cần 183 triệu USD. Tuy nhiên đến nay, quỹ này mới chỉ huy động được 22% tổng số ngân sách cần thiết.