📞

Họp Ban Chỉ đạo của Bộ Ngoại giao về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Hải Liên 19:10 | 30/03/2022
Ngày 28/3, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo của Bộ Ngoại giao về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) nhằm kiểm điểm, đánh giá công tác của Ban Chỉ đạo từ năm 2020 đến nay và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo của Bộ Ngoại giao về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (Ảnh: Tuấn Anh)

Điểm lại kết quả thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) tại Bộ Ngoại giao từ năm 2020 đến nay, Quyền Chánh Thanh tra Nguyễn Xuân Ánh, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo cho biết, căn cứ chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về PCTN và chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao, Ban Chỉ đạo đã đôn đốc các đơn vị chức năng xây dựng và tham mưu cho Bộ trưởng ban hành các văn bản để chỉ đạo công tác PCTN, trong đó có kế hoạch thực hiện công tác PCTN hàng năm, kế hoạch thanh tra và kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các đơn vị thuộc Bộ, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (CQĐD) đã thực hiện thường xuyên, bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực như định kỳ tổ chức các hội nghị tập huấn, báo cáo chuyên đề, các buổi trao đổi thông tin, cập nhật kiến thức pháp luật về PCTN, đạo đức liêm chính.

Bên cạnh đó, Bộ đã lồng ghép nội dung này trong các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, nhân viên chuẩn bị đi công tác nhiệm kỳ ở nước ngoài, chương trình giảng dạy cho sinh viên Học viện Ngoại giao (thuộc Bộ Ngoại giao).

Nhằm phát huy vai trò của báo chí trong việc tăng cường thông tin, phổ biến pháp luật về PCTN trên các phương tiện truyền thông của Bộ, các đơn vị chức năng đã kịp thời đăng tải các văn bản liên quan đến PCTN trên Trang thông tin điện tử của Bộ.

Riêng Báo Thế giới & Việt Nam (cơ quan truyền thông của Bộ) từ tháng 9/2020, đã mở chuyên mục “Phòng, chống tham nhũng” trên báo điện tử và thường xuyên cập nhật tin, bài liên quan đến công tác này.

Về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị chức năng tổ chức triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp phòng ngừa theo quy định của pháp luật PCTN, trong có có việc rà soát, cập nhật và tuân thủ nghiêm túc các quy định, quy trình về việc tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, nâng lương, khen thưởng, kỷ luật, chế độ chính sách; thực hiện công khai, minh bạch trong mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, xây dựng cơ bản, tài chính và ngân sách nhà nước theo quy định; đẩy mạnh cải cách hành chính, ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa các quy trình giải quyết công việc.

Xác định công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát góp phần tăng cường công tác quản lý, giúp ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực, Thanh tra Bộ và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ thường xuyên triển khai thực hiện nhiệm vụ này.

Trong giai đoạn 2020-2021, căn cứ kế hoạch thanh tra, chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm được phê duyệt, Thanh tra Bộ và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ đã tiến hành 9 cuộc thanh tra hành chính đối với các đơn vị thuộc Bộ, 21 cuộc kiểm tra, giám sát (4 kiểm tra chuyên đề về PCTN, 4 cuộc kiểm tra công tác cải cách hành chính, tổ chức cán bộ tại các đơn vị, 13 cuộc kiểm tra, giám sát các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc).

Những biện pháp phòng, ngừa tham nhũng nêu trên đã được thực hiện ổn định qua nhiều năm, từng bước hoàn thiện và dần hình thành nền nếp trong triển khai các mặt công tác của Bộ, đặc biệt là trong các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng (quản lý tài chính, tài sản, tổ chức, cán bộ…).

Đối với những giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài, như xây dựng pháp luật, đơn giản hóa thủ tục hành chính, Bộ Ngoại giao đã thực hiện một cách thường xuyên, nghiêm túc và quyết liệt. Đối với những chỉ đạo mới của Trung ương hoặc quy định mới của pháp luật, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đã kịp thời nghiên cứu, tham mưu để tích hợp, lồng ghép vào các quy định, kế hoạch công tác PCTN của Bộ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Một là, việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Bộ chưa theo kịp với tình hình biến động nhân sự thường xuyên, liên tục của Bộ.

Hai là, do diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, hoạt động thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác PCTN tại các đơn vị thuộc Bộ, CQĐD theo kế hoạch đã bị tạm hoãn.

Ba là, số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát hàng năm tại các CQĐD còn ít, mới đạt tỷ lệ 12%, thời gian thanh tra bị giới hạn nên nhiều lĩnh vực chỉ có thể kiểm tra xác suất, chưa thể có đánh giá chuyên sâu.

Thẳng thắn nhìn nhận sai phạm của một số cá nhân tại Cục Lãnh sự xảy ra cuối tháng 1/2022 vừa qua là hành vi trục lợi cá nhân, có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Ngày 4/3/2022, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã ban hành Quyết định số 362/QĐ-BNG về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo của Bộ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, theo đó, (1) bổ sung chức năng phòng, chống tiêu cực bên cạnh công tác phòng, chống tham nhũng; (2) bổ sung Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí vào danh sách thành viên Ban Chỉ đạo; (3) Cập nhật danh sách thành viên Ban Chỉ đạo theo hướng là Thủ trưởng các đơn vị liên quan.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, công tác PCTN, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục, phải đảm bảo vừa phòng, vừa chống.

Bộ trưởng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường hơn nữa vai trò trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác PCTN, tiêu cực tại Bộ Ngoại giao, mà trước hết là ngay tại đơn vị phụ trách, quản lý.

Bộ trưởng đề nghị bám sát chủ trương, quy định của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, XIII), Luật Phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, cần hoàn thiện các giải pháp mang tính thể chế, như ban hành, cập nhật các quy định, quy chế, quy trình của Bộ, đặc biệt với những nhiệm vụ, vị trí công tác dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; qua đó hoàn thiện “bộ công cụ” để “không thể tham nhũng” trên tinh thần phòng là chính.

Bộ trưởng cũng đặt ra yêu cầu cho các đơn vị, CQĐD cần rà soát, cập nhật các quy trình, quy chế nội bộ để làm căn cứ thực hiện “giám sát chéo” trong từng cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng nhấn mạnh cần mở rộng, phát huy hiệu quả các kênh nắm bắt thông tin, dư luận về việc thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức; giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị; qua đó phát hiện sớm, xử lý kịp thời những vi phạm, không để tích tụ thành sai phạm lớn, nghiêm trọng, phức tạp.

Bộ trưởng đề nghị rà soát, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo; giao Thanh tra Bộ tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo và lấy ý kiến góp ý của tất cả các đơn vị trong Bộ để hoàn thiện, sớm ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.