📞

Họp báo cấp Bộ trưởng về EVFTA và IPA giữa Việt Nam và EU

Linh Nguyễn 17:41 | 30/06/2019
Chiều 30/6, tại Hà Nội, buổi họp báo cấp Bộ trưởng về Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã diễn ra ngay sau lễ ký EVFTA và IPA. 
Toàn cảnh họp báo cấp Bộ trưởng về EVFTA và IPA giữa Việt Nam và EU. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, việc ký kết hai Hiệp định EVFTA và IPA đã đưa Việt Nam lên một tầm cao mới, xứng đáng là đối tác chiến lược của EU. Sau khi hiệp định EVFTA được ký kết, xuất khẩu, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới.

Theo Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh, việc thực thi Hiệp định FTA với EU, cùng với việc Hiệp định CPTPP vừa có hiệu lực và ký kết một số Hiệp định khác trong tương lai như RCEP, dự kiến sẽ mang đến những lợi thế nhất định, giúp Việt Nam phát triển kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại cuộc họp báo. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhận thấy những thách thức về phía Việt Nam khi hai Hiệp định trên được ký kết. Cụ thể, doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam có quy mô nhỏ, điều đó sẽ ít nhiều gây khó khăn trong việc tận dụng cơ hội.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, các doanh nghiệp cần phải tập trung vào vấn đề lớn, chủ động nghiên cứu toàn diện các nội dung của hiệp định, đặc biệt chương trình hành động của Chính phủ.

Hiện tại, với những chương trình hành động của Chính phủ trước khi hai Hiệp định được ký kết sẽ tạo ra nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận với nhiều cơ hội mới với thị trường mới. Doanh nghiệp và người dân sẽ có thuận lợi trong việc cắt giảm 99% thuế quan nhưng đổi lại, châu Âu là thị trường khó tính, có những đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, thực thi pháp luật về đầu tư. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải đảm bảo năng lực cạnh tranh, đưa ra những chiến lược phù hợp với thị trường này.

“Nếu các doanh nghiệp tận dụng được điều này thì các doanh nghiệp không chỉ có điều kiện tiếp cận với thị trường châu Âu mà còn với nhiều thị trường khác”, Bộ trưởng Tuấn Anh bày tỏ

Cao ủy về Thương mại của EU bà Cecilia Malmström trả lời báo chí. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Bà Cecilia Malmstrom, Cao uỷ thương mại của Liên minh châu Âu cho rằng, để doanh nghiệp có thể tận dụng được cơ hội mà FTA mang lại, cần phải giảm thủ tục hành chính, tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với những cơ hội.

Ông Stefan Radu Oprea, Bộ trưởng Môi trường, Kinh doanh, Thương mại và doanh nghiệp Rumani cho rằng, để khai thác cơ hội thì môi trường kinh doanh rất quan trọng và doanh nghiệp giữa hai phía cần phải nỗ lực rất nhiều.

Trả lời câu hỏi liên quan tới Hiệp định IPA, Bộ trưởng Môi trường Kinh doanh, Thương mại và doanh nghiệp của Rumani Stefan Radu Oprea cho rằng, đây là một văn kiện có ý nghĩa, giúp bảo đảm an toàn nguồn vốn cho các nhà đầu tư. IPA có nhiều điểm mới so với những hiệp định truyền thống mà Việt Nam đã ký.

‘‘Ngoài ra, những cam kết về dịch vụ - đầu tư, mua sắm Chính phủ cũng như những quy định cụ thể về mở cửa thị trường và biện pháp kỹ thuật trong một số lĩnh vực cụ thể cũng sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của EU tiếp cận được thuận lợi hơn thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam. Đồng thời, giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU trong các lĩnh vực như dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng và giao thông công cộng…’’, ông Stefan Radu Oprea nói.

* Trả lời câu hỏi của phóng viên về những khó khăn của Việt Nam sau khi ký kết hai hiệp định, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ, EU là khối kinh tế phát triển ở trình độ cao, vì vậy, họ có những yêu cầu khắt khe về phát triển bền vững như về đánh bắt cá, điều kiện lao động, nhân lực và tất cả những nội dung đó có liên quan trực tiếp Hiệp định hoặc về sau này. Chính vì thế, Việt Nam phải rà soát một cách nghiêm túc và kỹ lưỡng để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường này.

‘‘Đây là những khó khăn thực tế và không hề nhỏ. Nhưng nếu có sự quyết tâm cao của lãnh đạo hai bên, sự nỗ lực của doanh nghiệp hai bên, đặc biệt là doanh nghiệp Việt Nam thì điều này có thể vượt qua’’, Bộ trưởng Bộ Công thương nói.

* Sau khi ký kết, về phía Việt Nam, Hiệp định EVFTA và IPA sẽ được trình Quốc hội Việt Nam xem xét phê chuẩn còn về phía EU thì sẽ trình Nghị viện Châu Âu thông qua. Riêng Hiệp định IPA cần có thêm sự phê chuẩn của Nghị viện các nước thành viên EU. Hy vọng các Hiệp định này sẽ được các cơ quan lập pháp nhanh chóng phê chuẩn trong những tháng tới để cho phép các doanh nghiệp, công nhân, nông dân và người tiêu dùng của Việt Nam và EU gặt hái lợi ích của các Hiệp định trong thời gian sớm nhất.

Việt Nam và Liên minh châu Âu cam kết mạnh mẽ thực hiện hiệu quả Hiệp định EVFTA và IPA và sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau để đảm bảo cả hai bên phải tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ theo các Hiệp định này. Thông qua các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, EU sẽ hỗ trợ Việt Nam xác định và triển khai kế hoạch thực hiện nhằm tạo thuận lợi cho các cải cách và điều chỉnh cần thiết, bao gồm cả trong các lĩnh vực như các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật và rào cản phi thuế quan.

Ngoài lợi ích kinh tế, Hiệp định EVFTA và IPA cũng hướng đến việc thúc đẩy sự phát triển bền vững ở cả Việt Nam và EU. Vì vậy, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ của Chương Thương mại và Phát triển bền vững của Hiệp định EVFTA. EU hoan nghênh các bước tiến tích cực gần đây của Quốc hội Việt Nam về các vấn đề lao động, cụ thể là việc phê chuẩn Công ước ILO 98 về thương lượng tập thể và kế hoạch thông qua Bộ Luật Lao động sửa đổi tại phiên họp Quốc hội tiếp theo EU cũng hoan nghênh kế hoạch của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sẽ trình Công ước ILO 105 và 87 lên Quốc hội Việt Nam để xem xét phê chuẩn. Sự tham gia của các bên liên quan trong việc thực hiện Chương Thương mại và Phát triển bền vững ở cả EU và Việt Nam thông qua Nhóm Tư vấn trong nước là rất quan trọng đối với hiệu quả của Chương.

Hiệp định EVFTA và IPA là phần không thể thiếu trong khung khổ được thiết lập bởi Hiệp định PCA - Hiệp định điều chỉnh mối quan hệ song phương tổng thể giữa hai bên trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm hợp tác phát triển, hòa bình và an ninh, thương mại và đầu tư, hợp tác tư pháp, các vấn đề xã hội, quản trị tốt, thượng tôn pháp luật và các vấn đề mà hai bên có lợi ích chung khác.