Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên chủ trì cuộc họp báo. |
Mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, điểm mới của phiên họp Chính phủ lần này là đã đi sâu kiểm điểm, đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm 2014, trong đó có gắn với tình hình Biển Đông và các giải pháp ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
Trung Quốc vu khống trắng trợn
Về tình hình Biển Đông, Chính phủ khẳng định, Việt Nam tiếp tục kiên trì, kiên quyết có mặt trên vùng biển của mình để khẳng định chủ quyền biển đảo. Việt Nam cũng kiên trì giải pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về Luật biển 1982.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết đến giờ, bạn bè thế giới đa số ủng hộ Việt Nam, đánh giá rất cao sự kiềm chế, hành động kiên nhẫn bảo vệ chủ quyền của Việt Nam bằng giải pháp hòa bình. “Chúng ta tiếp tục đấu tranh trên biển để bạn bè thế giới hiểu chính nghĩa của Việt Nam”, Bộ trưởng nói.
“Chúng ta tiếp tục giữ mối quan hệ hòa bình hữu nghị, hợp tác trên tinh thần rất thiện chí đối với Trung Quốc. Chúng ta cũng đã hành động thiện chí bằng những việc có thể như tiến hành 5 cuộc họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông, lưu hành công hàm ở LHQ lần thứ 3, Chủ tịch nước cũng đã gửi thư đến Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình”. Tuy nhiên, trong lúc Việt Nam hoàn toàn chỉ bảo vệ bằng hành động hòa bình thì Trung Quốc lại dùng những lời lẽ vu khống, vu cáo rất trắng trợn rằng các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam có hành vi quấy phá. “Chúng ta đã có những đề nghị rất thiện chí nhưng chúng ta chưa nhận được sự đáp ứng từ phía Trung Quốc”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh.
Giải pháp ứng phó khi có tình huống xấu
Trả lời câu hỏi của phóng viên về các giải pháp ứng phó của Chính phủ khi có tình huống xấu xảy ra trên Biển Đông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, trước hết, về giải pháp ứng phó với tình huống có thể xảy ra, “chúng ta đã có chủ trương từ lâu”. Với đường lối độc lập tự chủ của Việt Nam, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có chủ trương trong các mối quan hệ bang giao, làm ăn với các nước, không tập trung quá mức vào một thị trường để hạn chế rủi ro.
Khi chưa có tình huống Trung Quốc có hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam, “chúng ta đã tính như thế”, Bộ trưởng nói. “Và hiện nay, tình huống xấu dự đoán có thể xảy ra là Trung Quốc hạn chế ở biên giới. Tình huống thứ 2 là có thể đóng cửa và cao hơn nữa có thể rút tổng thầu hay đưa ra quyết sách không còn quan hệ với chúng ta về vấn đề kinh tế nữa”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng cho biết, đến giờ này, Chính phủ họp bàn và nghe các nơi báo cáo, kể cả các địa phương, thì trong các tình huống đó, kể cả tình huống xấu nhất, sự ảnh hưởng tuy có nhưng không phải lớn đến mức Việt Nam gặp khó khăn không giải quyết được. “Trong cuộc họp hôm nay, nhiều tỉnh phát biểu đã có báo cáo và Chính phủ cũng thống nhất tình hình chung, nền kinh tế của chúng ta có ảnh hưởng nhưng mức độ ảnh hưởng không phải lớn lắm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định.
Về ý kiến dự đoán rằng, một số cửa khẩu có nguy cơ bị đóng cửa. Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết, một số tỉnh có đường biên giới có báo cáo về hạn chế lưu thông hàng hóa hai bên do sự kiểm soát tiểu ngạch của Trung Quốc chứ không phải là đóng cửa.
Trả lời phóng viên liên quan đến gói 16.000 tỷ đồng Chính phủ thống nhất hỗ trợ cho ngư dân, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết, trong tuần này, thường trực Chính phủ mời các bộ, ngành có liên quan để tháo gỡ khó khăn. “Quan điểm của Chính phủ là tính toán xem đối tượng nào được tham gia, thủ tục thế nào để nhanh nhất, thuận lợi nhất cho ngư dân, thậm chí có những dịch vụ hỗ trợ tốt nhất cho ngư dân. Và những giải pháp liên quan đến những ngư dân trước đây đã từng vay và những việc tiếp tục giải quyết thì chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng, để có chính sách cụ thể đối với từng đối tượng thụ hưởng”, Bộ trưởng chia sẻ.
Anh Sơn