📞

Hợp lực lại, tạo hai trung tâm logistics lớn là Cần Thơ và Long An

17:00 | 08/01/2017
Sáng 8/1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, đã thị sát việc đầu tư, vận hành Cảng Cần Thơ và Dự án Trung tâm Mekong Logistics của tỉnh Hậu Giang.

Việc thị sát các cụm cảng, trung tâm dịch vụ logistics nhằm phục vụ cho Hội nghị thu hút đầu tư, kinh doanh dịch vụ logistics vào vùng đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Công Thương phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức vào ngày mai (9/1) tại thành phố Cần Thơ.

Một tàu container 10.000 tấn đang chở nông sản từ Tân Cảng-Cái Cui ra thẳng cảng Hải Phòng, thay vì phải qua cảng Cái Mép-Thị Vải như trước. (Ảnh: VGP/Thành Chung)

Với chiều dài cầu tàu 180 m, mớn nước 9,5-10 m, cảng Tân Cảng-Cái Cui thuộc cảng Cần Thơ (do Tổng Công ty Tân Cảng đầu tư giai đoạn 1) có thể tiếp nhận được tàu 20.000 tấn. Cùng với đó, diện tích bãi 7 ha, trong đó có 2 kho hàng, diện tích mỗi kho là 3.204 m2 có thể tiếp nhận hàng phân bón, hóa chất, hàng tiêu dùng, hàng pallet cũng như phù hợp cho hàng nông sản.

Mới đây, ngày 24/10/2016, tàu container đầu tiên đã vào cảng Tân Cảng-Cái Cui và đây cũng là chuyến tàu thương mại đầu tiên khai trương luồng biển trọng tải lớn vào cửa sông Hậu, đi qua luồng Quan Chánh Bố ở Trà Vinh. Đây cũng là chuyến tàu container đầu tiên từ Hải Phòng vào thẳng ĐBSCL mà không qua phải ghé qua cảng TPHCM nhờ có dịch vụ logistics trọn gói, tiết kiệm được thời gian và chi phí vận chuyển.

Lãnh đạo cảng Tân Cảng-Cái Cui cho biết, trong năm 2016, Cảng đã xuất gần 400.000 tấn hàng hóa, chủ yếu là hàng nông sản của ĐBSCL về cảng Cái Mép-Thị Vải (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) qua luồng sông Hậu, thay vì phải vận chuyển theo đường bộ.

Cách đó 200 m là cảng Cái Cui (thuộc Cảng Cần Thơ) do Tổng Công ty Vận tải biển Vinalines góp vốn đầu tư. Với vị trí thuận lợi trong giao thương với đường biển quốc tế và nước bạn Campuchia, cảng Cái Cui có nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới. Hiện nay, đơn vị đang khai thác 2 bến (trong kế hoạch tới năm 2030 là 4 bến), xuất gần 1 triệu tấn hàng hóa đi các tỉnh và một số nước lân cận.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng trực tiếp thị sát Dự án Trung tâm Mekong Logistics (thuộc Khu Công nghiệp Nam Sông Hậu, tỉnh Hậu Giang), cách cảng Cần Thơ khoảng 4 km. Hạng mục đầu tiên của dự án này là trung tâm phân phối hàng lạnh vừa đi vào hoạt động từ quý III/2016 với 47.200 pallet/năm. Từ nay tới quý I/2019, các hạng mục quan trọng khác như hạng mục phân phối hàng khô, cảng container… sẽ lần lượt hoàn thành và đi vào hoạt động.

Vận chuyển hàng hóa qua đường sông là lợi thế của vùng ĐBSCL nhưng toàn vùng chưa phát huy được thế mạnh này nhằm giảm tải cho tuyến đường bộ. Hiện nay, 80% lượng hàng hóa của vùng đi ra các vùng khác và quốc tế thì phải đi theo đường bộ để đến TPHCM và cảng Cái Mép-Thị Vải, trước khi được vận chuyển tiếp bằng đường thủy.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật cho biết, nếu vận chuyển hàng nông sản từ vùng ĐBSCL đi Lạng Sơn bằng đường bộ thì chi phí là 70 triệu đồng/xe container. Nếu vận tải qua đường thủy thì phải sử dụng xà lan qua cảng Cái Mép-Thị Vải, cũng khiến gia tăng chi phí cho doanh nghiệp, người dân. Do đó phát triển cảng và dịch vụ logistics ngay tại vùng ĐBSCL cần phải được quan tâm đầu tư nhằm giảm giá thành nông sản, gia tăng tích lũy cho doanh nghiệp, người nông dân.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, chỉ riêng cảng Cần Thơ nếu thu hút đầu tư hiệu quả, vận hành tốt cũng góp phần giảm giá thành vận chuyển hàng hóa khoảng 5 USD/tấn. Hiện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng đầu tư dịch vụ logistics tại khu vực ĐBSCL.

Một tàu container 10.000 tấn đang chở nông sản từ Tân Cảng-Cái Cui ra thẳng cảng Hải Phòng, thay vì phải qua cảng Cái Mép-Thị Vải như trước. (Ảnh: VGP/Thành Chung)

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, vùng ĐBSCL có rất nhiều tiềm năng phát triển giao thông đường thủy, biển khi cứ 1 km2 thì có 0,7 km sông. Tuy nhiên, loại hình giao thông này rất yếu và thiếu. Đầu tư cho đường thủy chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng mức đầu tư hạ tầng của vùng. Kết nối giao thông thủy bị ảnh hưởng bởi hệ thống cảng còn manh mún, thiếu đầu tư đồng bộ, năng lực bốc xếp nhỏ.

Vẫn theo Phó Thủ tướng, đầu tư cảng, dịch vụ logistics, kho bãi chủ yếu là công việc của doanh nghiệp, nhà nước chỉ hỗ trợ về cảng vụ, hạ tầng giao thông phục vụ cảng, phát triển hệ thống ngân hàng, thuế, hải quan. “Việc đầu tư, phát triển các cảng trong vùng không chỉ để phục vụ các nhà thầu đầu tư mà phải phục vụ hàng hoá, nông sản xuất khẩu của vùng”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Qua khảo sát tại cảng Cần Thơ, Trung tâm Mekong Logistics, Phó Thủ tướng cho rằng còn nhiều vấn đề liên quan để phát triển hạ tầng cảng, dịch vụ logistics của địa phương và cả vùng. Theo đó, các bộ và địa phương liên quan trong vùng cần tập trung thực hiện quy hoạch hợp lý, nghiên cứu cơ chế vận hành hiệu quả, không để xảy ra tình trạng chia cắt, cát cứ, từ đó sẽ thu hút được các nhà đầu tư trong, ngoài nước.

Chính quyền địa phương, bộ, ngành và nhà đầu tư cần tổ chức thực hiện liên kết với nhau trong vận hành cảng. “Giữa 2 cầu cảng của Tân Cảng-Cái Cui và cảng Cái Cui (Vinalines) cách nhau 200 m nhưng sẽ là quãng đường rất dài, có thể hàng thế kỷ không nối được, nếu không cùng nhau làm”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý và nhấn mạnh: “Cần phải hợp lực lại để ĐBSCL phát triển. Tinh thần là hợp lực lại, tạo ra hai trung tâm logistics lớn của vùng là Cần Thơ và Long An, để không chỉ kết nối các loại hình vận tải trong vùng và cả kết nối sang Campuchia được thuận lợi”.