Đại diện các nước ASEAN tham dự Lễ khai mạc AMF-5. |
Hưởng ứng nhiệt tình
AMF-5 là kênh đối thoại về các vấn đề liên quan đến hợp tác biển với trọng tâm là xây dựng lòng tin, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Đây cũng là dịp để thúc đẩy đoàn kết và tranh thủ các nước đối tác của ASEAN, tập trung vào các ưu tiên chung của ASEAN.
Phát biểu trước thềm các diễn đàn biển ASEAN, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho biết Việt Nam đã chủ động tham vấn các nước, đề xuất những chủ đề cho từng phiên họp, trong đó có kiểm điểm hợp tác về tình hình vừa qua, kiểm điểm việc thực hiện UNCLOS 1982 sau 20 năm Công ước đi vào hiệu lực.
Ông Phạm Quang Vinh cho biết các nước hưởng ứng nhiệt tình và cử những quan chức cấp cao như SOM ASEAN, những quan chức có chuyên môn tới đóng góp cho diễn đàn. "Chúng ta hy vọng kết quả hội nghị ở Đà Nẵng sẽ có kiến nghị cụ thể và thiết thực cho hợp tác biển, cũng như bảo đảm môi trường an ninh, an toàn hàng hải", Thứ trưởng nói.
Việc Việt Nam đăng cai AMF-5 và EAMF-3 thể hiện vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp của Việt Nam đối với lĩnh vực quan trọng và ưu tiên của ASEAN về hợp tác biển và đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực.
Ông Nguyễn Vũ Tú, Vụ trưởng, Phó Trưởng SOM ASEAN Việt Nam. |
Tiếp nối thành công của bốn kỳ AMF trước được tổ chức tại Indonesia, Thái Lan, Philippines và Malaysia, AMF lần này hướng đến hai mục tiêu chính: tăng cường hợp tác biển thông qua việc đối thoại và tham vấn một cách xây dựng và tăng cường vai trò cũng như đóng góp của Diễn đàn đối với hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh trên biển, tự do hàng hải trong khu vực.
Trong khuôn khổ AMF-5, các nước thành viên đã tập trung kiểm điểm, đánh giá những nhiệm vụ đã triển khai trong khuôn khổ diễn đàn; Trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hợp tác biển trong lĩnh vực cứu trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai; Các vấn đề quản lý và bảo vệ hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản, thúc đẩy hợp tác nghề cá bình đẳng.
Ông Trần Văn Long, Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 cho biết: "Qua các AMF, hợp tác giữa Việt Nam với các nước ASEAN trong công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển cũng như an ninh trên biển đạt hiệu quả cao hơn. Các nước trong khu vực rất ủng hộ Việt Nam để phát triển ngành kinh tế, vận tải biển, an toàn, an ninh, cũng như tìm kiếm cứu nạn trên biển".
Mở đường cho những hợp tác mới
Bên cạnh đó, đối với những diễn biến hiện nay trên Biển Đông, các nước trong khu vực rất quan tâm đến thách thức về an ninh cũng như cách tiếp cận của ASEAN. Ông Aung Lynn, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao Myanmar cho biết: "Là một thành viên của ASEAN, chúng tôi phối hợp với các nước thành viên của ASEAN để giải quyết những vấn đề quan tâm của ASEAN trong khu vực, đặc biệt là vấn đề Biển Đông. Chúng tôi cũng đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN tại Myanmar vừa qua về những vấn đề xung đột hiện nay ở Biển Đông".
Với tư cách một học giả, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về an ninh - quốc phòng tại Đại học Quốc phòng Australia chia sẻ quan điểm rằng, các AMF là hình thức đối thoại tương đối mới trong vấn đề an ninh và hợp tác biển. "Các AMF đã tạo ra thêm một không gian đối thoại cho các nước thành viên ASEAN cũng như các nước đối tác, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều diễn biến mới trên Biển Đông".
Cũng theo Giáo sư Carl Thayer, "là một nước thành viên ASEAN, Việt Nam đã thể hiện sự chuyên nghiệp, tích cực khi tổ chức các AMF. Đây là cơ hội mở đường cho những hợp tác đa phương, kết nối tình hữu nghị giữa các nước thành viên ASEAN".
Ngày 28/8, EAMF-3 diễn ra với trọng tâm là thảo luận kết quả 20 năm thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển. Ngoài đại diện các nước thành viên ASEAN, EAMF-3 còn quy tụ các đại biểu đến từ Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Quang Chinh (từ Đà Nẵng)