Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu chào mừng Hội nghị . (Ảnh: Quang Hòa) |
Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng đại diện các bộ, ban, ngành và thành phố Hà Nội.
Về phía đại biểu Pháp có Chủ tịch Ủy ban các vấn đề xã hội và Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp - Việt tại Thượng viện Pháp, Đại diện của Chủ tịch Thượng viện Pháp, Trưởng đoàn chính thức các địa phương Pháp Catherine Deroche; Đại sứ đặc trách Ngoại vụ địa phương, Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp Jean - Paul Guihaumé; Phó Thị trưởng Toulouse, Ủy viên Ban điều hành Hiệp hội các địa phương Pháp Jean-Claude Dardelet; Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery.
Cùng dự còn có lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan, lãnh đạo các chính quyền địa phương, đại diện các hội hữu nghị, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, đại diện các dự án hợp tác giữa Việt Nam - Pháp, một số tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu, các trường đại học và cộng đồng doanh nghiệp của hai nước Việt Nam và Pháp. Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị.
Với chủ đề “Hợp tác địa phương: Động lực thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững, toàn diện sau đại dịch Covid-19”, Hội nghị nhằm hướng tới mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp trong bối cảnh hậu đại dịch.
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, trong tổng thể các lĩnh vực và tầng bậc hợp tác giữa Việt Nam và Pháp, hợp tác giữa các địa phương hai nước đã trở thành nét đặc trưng và là một điểm sáng. Pháp là nước duy nhất mà Việt Nam có cơ chế Hội nghị hợp tác giữa các địa phương định kỳ và luân phiên.
Đến nay, đã có trên 38 địa phương các cấp của Pháp và 18 tỉnh, thành phố của Việt Nam tham gia hợp tác theo cơ chế này, cùng với 240 dự án hợp tác; tập trung vào các lĩnh vực; giáo dục, y tế, nước và vệ sinh, phát triển nông thôn, phát triển bền vững, bảo tồn di sản, cộng đồng Pháp ngữ…
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Quang Hòa) |
Khẳng định Pháp luôn là đối tác quan trọng về thương mại, đầu tư, viện trợ không hoàn lại hàng đầu châu Âu của Việt Nam, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh giao lưu nhân dân, quan hệ giữa các địa phương hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ với nhiều hình thức, hoạt động phong phú, đa dạng và hiệu quả.
Phó Thủ tướng đánh giá, cơ chế Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp không chỉ là một kênh quan trọng thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương và giao lưu nhân dân hai nước mà còn là nét độc đáo trong tổng thể quan hệ hai nước bởi Pháp là quốc gia duy nhất Việt Nam có cơ chế hợp tác cấp địa phương mang quy mô toàn quốc.
Phó Thủ tướng cho rằng, chủ đề của Hội nghị thể hiện rõ nhu cầu, mục tiêu hợp tác và quyết tâm của các địa phương hai nước cùng chung sức để ứng phó hiệu quả với các thách thức đang đặt ra; góp phần tạo động lực mới thúc đẩy hợp tác ở cấp địa phương nói riêng và cấp quốc gia giữa Việt Nam và Pháp nói chung. Các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị năm nay là minh chứng rõ nét về tính đang dạng trong hợp tác giữa các địa phương hai nước cũng như sự phát triển toàn diện của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp.
Phó Thủ tướng kỳ vọng Hội nghị sẽ đưa ra được nhiều đề xuất, giải pháp có tính khả thi cao, qua đó mở ra nhiều cơ hội và dự án hợp tác mới cho địa phương hai nước, góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp phát triển sâu rộng và hiệu quả hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước.
"Có thể thấy, Hội nghị mang nhiều ý nghĩa đặc biệt, diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp. Vào năm 2023, sự kiện được tổ chức tại thủ đô Hà Nội, địa phương đầu tiên khởi nguồn cho hàng loạt các dự án hợp tác, kết nghĩa giữa các địa phương Việt Nam – Pháp từ năm 1989 và cũng là nơi có nhiều công trình văn hóa, kiến trúc mang đậm dấu ấn Pháp", Phó Thủ tướng khẳng định.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Quang Hòa) |
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho rằng, quan hệ Việt Nam – Pháp là không thể tách rời và có sự gắn kết về lịch sử, văn hóa, các bước phát triển trong hợp tác nhiều mặt trong đó có hợp tác địa phương. Nhân dân Pháp và Việt Nam là chất keo kết dính cho quan hệ hữu nghị và Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp, giao lưu nhân dân, tăng cường hợp tác giữa các địa phương luôn được Lãnh đạo cấp cao hai nước chú trọng, thúc đẩy.
Thời gian qua, Bộ Ngoại giao hai nước, Hiệp hội các địa phương Pháp đã phát huy tích cực vai trò cầu nối, tư vấn và hỗ trợ các địa phương Việt Nam – Pháp thiết lập và phát triển các mối quan hệ, tăng cường hợp tác giữa các địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức, nghiệp đoàn…, đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp đi vào chiều sâu thiết thực.
Thứ trưởng khẳng định, Bộ Ngoại giao với vai trò là cơ quan đầu mối trung ương trong việc hỗ trợ phát triển quan hệ hợp tác giữa các địa phương trong nước với các địa phương nước ngoài, trong đó có Pháp, tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan, địa phương liên quan nhằm đưa đối ngoại địa phương trở thành một trong những trụ cột trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: Quang Hòa) |
Ông Nicolas Warnery, Đại sứ Pháp tại Việt Nam cho biết, Hội nghị mang tính biểu trưng cao, thúc đẩy quan hệ giữa các địa phương của hai nước trong việc triển khai các dự án và hợp tác, từ đó tạo thành bước nối tiếp cho đà phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác song phương. Ông Nicolas Warnery hoan nghênh việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, du lịch, xử lý nước thải, rác thải, biến đổi khí hậu…
Diễn ra trong hai ngày 14-15/4, Hội nghị tập trung thảo luận 4 phiên Hội thảo chuyên đề về: Đô thị bền vững; Môi trường, nước và xử lý nước; Văn hóa, di sản và du lịch; Thành phố thông minh và số hóa.
Bên lề Hội nghị còn diễn ra nhiều hoạt động nhằm thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, giao lưu giữa các địa phương, đối tác của hai nước như: Không gian quảng bá các địa phương “Sắc màu Việt Nam”; Lễ hội “Balade en France/Dạo chơi nước Pháp”; Diễn đàn kinh tế Việt Nam-Pháp; Chương trình nghệ thuật chào mừng Hội nghị; Hội thảo “Phát huy giá trị không gian khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long”; Triển lãm “Hà Nội-Khởi đầu một đô thị kiểu phương Tây ở Đông Nam Á”; Triển lãm “Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội giai đoạn 1898-1954”...
Tại Hội nghị còn có Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Pháp, kết nối cơ hội đầu tư, kinh doanh giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với địa phương, địa phương với địa phương.
Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp được khởi nguồn từ những năm 1990. Kể từ lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố Lille (Pháp) năm 1996, Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp được tổ chức 2-3 năm một lần, lần lượt tại Pháp và Việt Nam. Đây là dịp tập hợp tất cả chủ thể hợp tác phi tập trung và phi chính phủ, trao đổi kinh nghiệm để duy trì tính năng động của hình thức hợp tác này. Đến nay đã có hơn 30 địa phương các cấp của Pháp và khoảng 20 địa phương Việt Nam tham gia vào các quan hệ hợp tác theo cơ chế này. Các dự án tập trung vào lĩnh vực phù hợp nhu cầu của địa phương Việt Nam, thế mạnh của Pháp như văn hóa, ngôn ngữ, du lịch, bảo tồn-bảo tàng di sản, nước và vệ sinh môi trường, quy hoạch đô thị, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, đào tạo nghề, y tế, phát triển bền vững, môi trường, phát triển nông nghiệp-nông thôn. |