📞

Hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh

21:22 | 12/09/2014
Ngày 12/9, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc Tọa đàm với Truyền thông - Seminar đánh giá giữa kỳ cấp khu vực của Dự án về công tác quản lý vật nổ còn sót lại sau chiến tranh (MORE).

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, ông Guy Rhodes, Giám đốc hoạt động của Trung tâm Quốc tế Geneva về khắc phục bom mìn nhân đạo (GICHD) cho biết, năm 2014 là một năm đánh dấu mốc quan trọng trong công tác xử lý vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở rất nhiều quốc gia trên toàn thế giới. 100 năm đã trôi qua kể từ cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, tại quốc gia Bỉ, hàng năm vẫn có khoảng 200 tấn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh được di dời. Tại Đức, công tác rà phá bom mìn đã được tiến hành trong suốt 75 năm, hằng năm, chỉ tính riêng tại thành phố Berlin, số lượng vật nổ được di dời là 45 tấn. Đã 69 năm trôi qua kể từ khi kết thúc chiến tranh thế giới lần II, tại Nhật Bản, đội xử lý bom mìn trung bình ngày nào cũng nhận được các cuộc gọi về việc phát hiện vật nổ.

Dự án MORE là kết quả của sự hợp tác giữa 15 quốc gia khác nhau thuộc Châu Âu, Châu Á. Chương trình này nghiên cứu sự phát triển của các chính sách, và thực tiễn trong cách thức phản hồi đối với sự hiện diện của vật nổ tại các quốc gia vẫn còn bị ô nhiễm bom đạn từ sau các cuộc xung đột 1945, nhằm hỗ trợ cho người ra quyết định hiện tại và khuyến khích sự thay đổi trong cách thức tiếp cận các giải pháp nhằm giảm thiểu, khắc phục những tác động của ô nhiễm bom đạn tại các quốc gia bị ảnh hưởng bởi các xung đột gần đây (như Việt Nam, Lào, Campuchia).

“ Chúng ta không thể xác định phạm vi, tính chất ô nhiễm hay độ phức tạp của tình hình bom mìn vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh vì không biết cụ thể như thế nào. Vấn đề Việt Nam cũng giống Lào, nên dựa trên những tính toán và số liệu thực tế, chúng tôi cho rằng cũng phải mất hàng nghìn năm mới có thể dọn sạch bom mìn trên đất Lào. Nước Lào có đến 1/3 tổng diện tích có bom mìn vật liệu nổ còn sót lại. Dự án MORE là một khởi đầu rất phù hợp để các nước đánh giá đúng tình hình dựa trên tính toán và các số liệu có được, giúp chúng tôi áp dụng để giải quyết vấn đề ô nhiễm bom mìn theo cách phù hợp hơn”, Bounphamith Somvichith, Phó Giám Đốc cơ quan khắc phục hậu quả bom mìn Quốc gia Lào (NRA).

“Mục tiêu của dự án không làm giảm quy mô của vấn đề vật nổ sót lại sau chiến tranh mà là hoạt động nghiên cứu chính sách, kinh nghiệm của các nước châu Âu đã trải qua chiến tranh nhiều năm, giúp các nước châu Á đưa ra những biện pháp, chính sách tốt nhất để khắc phục vấn đề này. Một khía cạnh khác của dự án là nghiên cứu tuổi thọ cũng như những đặc điểm, thành phần của bom đạn vật nổ và tác động của nó cũng như mức độ rủi ro mà mức độ này có thể đem lại”, ông Guy Rhodes cho biết.

Theo ông Nghiêm Đình Thiện, Đại diện Trung tâm Hành động bom, mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC), Việt Nam là một trong những nước gánh chịu hậu qủa nặng nề do bom, mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh gây ra. Công tác khắc phục hậu quả bom mìn đã được tiến hành tích cực ngay sau khi chiến tranh kết thúc. Hàng nghìn tấn bom đạn đã được xử lý thành công, ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn của người dân ngày càng được acỉ thiện… Tuy nhien, diện tích ô nhiễm bom mìn vẫn còn lớn, chủng loại bom mìn vật nổ đa dạng cùng với các điều kiện khác luôn là những thách thức lớn đối với công tác khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam.

Đến nay, Việt Nam đã có những bước phát triển mới trong các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, đặc biệt công tác quản lý, điều hành và ban hành các cơ chế chính sách. Đặc biệt, Việt Nam đã đề ra Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (Chương trình 504), lập Trung tâm hành động bom mìn quốc gia (VNMAC), thành lập Quỹ và Hội khắc phục hậu quả bom mìn… Phương pháp tiếp cận công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với các nước trong khu vực và một số nước Châu Âu tham gia dự án. “Tuy nhiên, cũng có những khác biệt trong hệ thống quản lý hay quy trình xử lý do đặc điểm riêng của mỗi nước và đấy chính là điểm mà chúng ta có thể tham khảo, hợp tác và học hỏi lẫn nhau”, ông Thiện nói. “Dự án MORE chính là kênh kết nối không chỉ các chuyên gia, chuyên viên kỹ thuật mà cả các nhà quản lý, hoạch định chính sách cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn”.

Tại hội thảo, GICHD cũng đánh giá cao về các thành tựu, kinh nghiệm trong suốt 55 năm qua của Việt Nam, Campuchia, Lào. Bên cạnh việc xem xét các chính sách và thực tiễn trong quá khứ, hội thảo cũng tập trung vào việc tìm kiếm ra giải pháp mới nhằm nâng cao chính sách quản lý rủi ro và tập trung các nỗ lực vào các khu vực được ưu tiên, phát triển các trương trình bền

Kết quả nghiên cứu của dự án MORE sẽ được trình bày tại cuộc họp lần tới, theo kế hoạch sẽ được tổ chức vào tháng 5/2015.

GICHD - Trung tâm Quốc tế Geneva về Khắc phục bom mìn nhân đạo là một tổ chức quốc tế có trụ sở tại Thụy Sỹ, hoạt động của GICHD nhằm loại bỏ các loại bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Thông qua việc tiến hành các nghiên cứu, phát triển các tiêu chuẩn và tham gia trao đổi sự hiểu biết lẫn nhau, GICHD hỗ trợ phát triển năng lực cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi bom mìn. GICHD hợp tác với chính quyền cấp quốc gia, cấp địa phương để hỗ trợ việc lên kế hoạch, hợp tác, tiến hành, theo dõi và đánh giá các chương trình khắc phục hậu quả bom mìn. GICHD đồng thời cũng tham gia vào việc thi hành Công ước chống Mìn sát thương, Công ước về bom đạn Chùm, và các văn kiện có liên quan khác của luật quốc tế.

K.C