📞

Hợp tác khoa học công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc: Gieo những hạt giống hữu ích để phát triển kinh tế*

Lee Jong Ho 16:33 | 05/12/2022
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc, Bộ trưởng Khoa học Công nghệ-Thông tin & Truyền thông Hàn Quốc Lee Jong Ho có bài viết chia sẻ về mối quan hệ hợp tác khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Theo kết quả điều tra của một công ty, du khách Hàn Quốc mong muốn lựa chọn Việt Nam là điểm đến du lịch thứ hai, sau Nhật Bản, khi thị trường du lịch quốc tế mở cửa trở lại thời gian dài tạm dừng do Covid-19. Bên cạnh những yếu tố tác động đến quyết định lựa chọn địa điểm du lịch như vị trí địa lý, văn hóa - lịch sử, thiện cảm, chi phí du lịch, chi phí ăn - ở, một yếu tố được nhiều du khách cân nhắc là chất lượng hạ tầng cơ sở tại các điểm đến. Kinh tế và hạ tầng cơ sở văn hóa của Việt Nam ngày càng phát triển khiến quốc gia này trở thành đất nước gần gũi với người Hàn Quốc.

Trung tâm nghiên cứu khoa học Việt Nam-Hàn Quốc (VKIST) tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. (Nguồn: VKIST)

Bên cạnh hợp tác du lịch, hợp tác khoa học công nghệ giữa hai nước cũng ngày càng được củng cố với sự hiện diện của Trung tâm nghiên cứu khoa học Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. VKIST được thành lập theo mô hình của Viện nghiên cứu khoa học công nghệ Hàn Quốc (KIST) – đơn vị được thành lập từ năm 1965 bằng khoản viện trợ trị giá 100 triệu USD từ Mỹ.

Trong 30 năm từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 12/1992, VKIST là một trong những dự án thu hút nhiều sự quan tâm nhất trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Dự án được khởi công vào tháng 3/2018 và càng thêm ý nghĩa khi chuẩn bị được khai trương vào cuối năm nay, nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ Ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc. Hiện VKIST và KIST đang cùng triển khai một số dự án nghiên cứu chung dựa trên hệ sinh thái đa dạng của Việt Nam.

Với sự hợp tác ngày càng phát triển dựa trên nền tảng kinh nghiệm được Hàn Quốc tích lũy sau rất nhiều năm nghiên cứu và phát triển và với môi trường thiên nhiên phong phú của Việt Nam, một quốc gia đang phát triển nhanh, VKIST sẽ sớm trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ tầm cỡ châu lục.

Lễ khánh thành Văn phòng hợp tác VKIST - KIST, ngày 21/5/2022. (Nguồn: VKIST)

Mối quan hệ hợp tác Khoa học công nghệ giữa hai nước ngày nay không phải được hình thành trong một sớm một chiều. Tháng 5/1995, hai nước đã ký Hiệp định hợp tác Khoa học công nghệ, và tổ chức họp Ủy ban hỗn hợp Khoa học công nghệ Hàn - Việt 2 năm/lần; đến nay, đã tổ chức được 8 kỳ họp. Từ kỳ họp thứ 8 của Ủy ban hỗn hợp Khoa học công nghệ Hàn - Việt, cấp chủ trì đã được nâng lên thành cấp Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Truyền thông Hàn Quốc và Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam.

Ủy ban hỗn hợp được tổ chức để trao đổi về chính sách khoa học công nghệ, các dự án nghiên cứu chung giữa hai nước và xây dựng khuôn khổ hợp tác chung giữa cơ quan nghiên cứu khoa học công nghệ của hai bên. Chi phí nghiên cứu chung sẽ do hai nước cùng tài trợ. Từ năm 2008 đến nay đã có 26 dự án được triển khai nghiên cứu với tổng ngân sách là 1,1 tỷ Won. Hai bên đều nhất trí phát triển kinh tế cần phát triển khoa học-công nghệ. Tôi hy vọng các dự án nghiên cứu chung giữa hai nước sẽ trở thành những hạt giống hữu ích để phát triển kinh tế hai nước.

Hàn Quốc luôn đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu và phát triển khoa học-công nghệ.

Hiện nay, thế giới đang đối diện với nguy cơ an ninh lương thực, năng lượng và thiên tai ngày càng nghiêm trọng do ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu. Để giải quyết các vấn đề như sử dụng nước mưa làm nước uống, Hàn Quốc và Việt Nam đang cùng vận hành Trung tâm khoa học công nghệ hóa phân tích thông qua chương trình viện trợ không hoàn lại (ODA). Trung tâm đã vận hành được 7 năm, với ngân sách viện trợ lên tới 3,74 tỷ Won.

Trên cơ sở những kết quả hợp tác thời gian qua, nếu Việt Nam và Hàn Quốc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ hợp tác khoa học công nghệ, hai nước có thể vượt qua một số khó khăn hiện tại để cùng giải quyết các vấn đề trong tương lai.


*Tựa bài viết do Báo TGVN tự đặt.