Đại sứ Bùi Văn Nghị và Phó Tổng thống, Bộ trưởng Geraldo Alckmin. |
Tại buổi làm việc, Đại sứ Bùi Văn Nghị chuyển lời thăm hỏi của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đến Phó Tổng Thống, Bộ trưởng Geraldo Alckmin.
Đồng thời, Đại sứ cũng nhấn mạnh rằng cùng với quan hệ chính trị-ngoại giao tốt đẹp, hợp tác về kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Brazil tiếp tục phát triển khi kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Brazil chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Hiện nay, Brazil là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Mỹ Latinh và đứng thứ hai tại châu Mỹ, sau Hoa Kỳ. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác hàng đầu của Brazil trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Đại sứ Bùi Văn Nghị cũng cho biết theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2023, trao đổi thương mại Việt Nam-Brazil vượt 7,11 tỷ USD, trong đó Việt Nam nhập khẩu hàng hóa trị giá 4,7 tỷ USD và xuất khẩu hơn 2,4 tỷ USD và trong tháng 5/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Brazil đạt 236,2 triệu USD, tăng 4,84% so với tháng trước đó nhưng giảm 2,41% so với tháng cùng kỳ năm 2023; tính riêng năm tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này ghi nhận mức tăng nhẹ so với 5 tháng đầu năm 2023 là 1,48%, đạt 1,14 tỷ USD.
Trong đó, ba mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao nhất là điện thoại các loại và linh kiện (chiếm tỷ trọng 25,54%); phương tiện vận tải và phụ tùng (chiếm tỷ trọng 13,51%) và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm tỷ trọng 11,86%).
Bên cạnh đó, trong bối cảnh Việt Nam đưa ra Chiến lược phát triển vùng và thúc đẩy du lịch, Đại sứ Bùi Văn Nghị đánh giá cao công nghệ hàng không của Brazil, trong đó có các máy bay thân hẹp do hãng Embraer sản xuất, phù hợp với nhu cầu phát triển vận tải hàng không và du lịch của Việt Nam.
Đại sứ Bùi Văn Nghị làm việc với Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Bộ Phát triển, công nghiệp, thương mại và bịch vụ Geraldo Alckmin. |
Phó Tổng thống, Bộ trưởng Geraldo Alckmin gửi lời cảm ơn và thăm hỏi đến Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, ghi nhận những đóng góp của Chính phủ Việt Nam nói chung và Đại sứ quán nói riêng trong nỗ lực thúc đẩy các tiềm năng hợp tác giữa hai nước, đặc biệt trong năm kỷ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao Brazil-Việt Nam (05/2024).
Phó Tổng thống, Bộ trưởng đánh giá cao và bày tỏ sự ấn tượng với tốc độ tăng trưởng của Việt Nam, tỷ lệ thất nghiệp thấp, tiềm năng phát triển du lịch, và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, cụ thể tính đến 5/2024, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đàm phán tổng cộng 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 16 FTA đã ký kết và thực thi và 3 FTA đang đàm phán.
Phó Tổng thống, Bộ trưởng Geraldo Alckmin gửi lời cảm ơn đến Đại sứ Bùi Văn Nghị trong việc tích cực thúc đẩy chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao, du lịch và giao lưu nhân dân. Phó Tổng thống, Bộ trưởng Geraldo Alckmin thể hiện sự đồng thuận với các ý kiến của Đại sứ và đánh giá Việt Nam là đối tác ưu tiên của Brazil bên cạnh thị trường Trung Quốc tại khu vực châu Á.
Hiện nay, Brazil đang rất quan tâm thúc đẩy lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn và năng lượng sạch tái tạo.
Ông Geraldo Alckmin cho rằng, Việt Nam hiện nay đang là điểm đến hấp dẫn về kinh tế, thương mại và du lịch cũng như việc kết nối các chuỗi cung ứng, sản xuất chất bán dẫn, logistics. Để tiếp tục thúc đẩy phát triển du lịch, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm thì việc mở đường bay thẳng, phát triển các di sản của Việt Nam đối với các nước ASEAN và Brazil với các nước Nam Mỹ là điều vô cùng cần thiết.
Điều này sẽ tạo thuận lợi trong việc thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực tiềm năng mà hai bên cùng quan tâm, góp phần đưa quan hệ của hai nước lên một tầm cao mới.
Phó Tổng thống, Bộ trưởng Geraldo Alckmin trao đổi với Đại sứ Bùi Văn Nghị. |
Hai bên cùng nhất trí rằng Việt Nam và Brazil đã và đang từng bước cụ thể hoá các cam kết trong Thông cáo chung của Lãnh đạo hai nước khi đoàn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Cộng hoà Liên bang Brazil (9/2023), đồng thời mở rộng đối thoại, hợp tác giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy hợp tác về thương mại, đầu tư, nông nghiệp cũng như giao lưu, hợp tác nhân dân giữa các tổ chức hữu nghị và các địa phương.