📞

Hợp tác kinh tế - thương mại Việt - Anh: Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược

11:44 | 09/07/2010
Chính phủ mới của Anh với hàng loạt chính sách kinh tế-xã hội mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Anh, ông An Thế Dũng (ảnh bên), đã đưa ra những nhận định về tác động từ chính sách kinh tế mới đó đến quan hệ thương mại song phương, đồng thời đánh giá về quan hệ thương mại hai nước và đưa ra những dự đoán cho 6 tháng cuối năm.

Tín hiệu tốt đầu năm

Theo ông Dũng, trong 6 tháng đầu năm 2010, tình hình kinh tế Anh có nhiều dấu hiệu sáng sủa. GDP quý I/2010 tăng 0,3% so với quý trước, với sản lượng công nghiệp tăng 1,2%, chế tạo tăng 1,2%, xây dựng giảm 0,5%, các ngành dịch vụ tăng 0,2%. Tổng kim ngạch buôn bán hai chiều Anh - Việt 4 tháng đầu năm đạt 448.222 triệu bảng, tăng 8.3% so cùng kỳ năm ngoái, trong đó Anh nhập khẩu từ Việt Nam tổng giá trị hàng hóa đạt 358,420 triệu bảng (giảm 0,7%) và kim ngạch xuất khẩu theo chiều ngược lại là 89,802 triệu (tăng 70,3%). Nguyên nhân hàng Việt Nam xuất khẩu sang Anh giảm là do hai mặt hàng giày dép và xe đạp bị áp thuế bán chống phá giá của Liên minh châu Âu (EU), điều này đã được dự liệu trước.

Cũng trong giai đoạn này đã diễn ra 2 sự kiện lớn trong chuỗi các hoạt động thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa Anh và Việt Nam. Đó là tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam diễn ra ngày 28/2/2010 tại London do Bộ Công Thương, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam và Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Anh (VBUK) thực hiện. Sự kiện lớn thứ hai là việc các doanh nghiệp Anh tham dự Hội chợ Quốc tế Nhựa và Cao su tại Việt Nam (18-20/3/2010). Năm 2009, sản phẩm nhựa, cao su của Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 20 triệu USD sang thị trường Anh.

Trước đó, nền tảng kinh tế-thương mại-đầu tư hợp tác đã được nhấn mạnh sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy, ở cuộc hội đàm trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân hồi đầu tháng 3 vừa qua. Anh tiếp tục xếp Việt Nam là một trong 17 thị trường ưu tiên phát triển hợp tác; khẳng định cần tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp hai bên tăng cường quan hệ hợp tác đầu tư, kinh doanh.

Về phía Việt Nam, tiếp tục đẩy mạnh cải cách kinh tế, thực hiện nghiêm túc các cam kết của Việt Nam trong WTO; coi trọng và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Anh đầu tư kinh doanh ổn định lâu dài và hiệu quả tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực thế mạnh như dầu khí, tài chính-ngân hàng, viễn thông, động cơ máy bay.

Ngược lại, Anh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hàng hoá Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Anh và qua đó đi vào thị trường châu Âu và EU. Anh khẳng định ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với EU, đặc biệt là việc ủng hộ Việt Nam sớm được EU công nhận là nước có nền kinh tế thị trường.

Chuẩn bị cho những phục hồi mới

Nhận định về hợp tác 6 tháng cuối năm 2010, ông Dũng dự đoán mối quan hệ sẽ tiếp tục phát triển, đưa kim ngạch buôn bán hai chiều đạt tới 1,9 tỷ USD năm 2010. Tuy nhiên, trong năm 2010 sẽ không có bước phát triển đột biến do Chính phủ Anh đang dành nhiều ưu tiên cho việc phục hồi kinh tế, củng cố các mối quan hệ kinh tế đối ngoại với các đối tác truyền thống như Mỹ, EU, Ấn Độ… Nhưng Chính phủ Anh vẫn rất quan tâm đến khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam. Việc nâng tầm quan hệ hai bên lên cấp đối tác chiến lược cũng được phía Anh ủng hộ và hai bên đang tiếp tục bàn thảo những nội dung cụ thể.

Ở cấp độ doanh nghiệp, từ đầu năm 2010, khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi rõ ràng hơn thì sự quan tâm của các doanh nghiệp Anh đối với Việt Nam cũng nhiều hơn. Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Anh đã nhận và trả lời hơn 100 yêu cầu tìm đối tác kinh doanh. Theo một báo cáo thăm dò 540 công ty hàng đầu của Anh được thực hiện cuối năm 2009, Việt Nam là một trong 15 thị trường mới nổi mà các công ty, nhà đầu tư Anh chọn là thị trường cần hướng tới trong 5 năm tiếp theo.

Cúc Liên