Tham dự Tọa đàm có Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, lãnh đạo tỉnh Quảng Đông, Đặc khu hành chính Hongkong (Trung Quốc); đại diện các bộ, ngành, 14 tỉnh, thành phố của Việt Nam và gần 200 doanh nghiệp của hai bên.
Tọa đàm có sự tham gia của gần 200 doanh nghiệp hai bên. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung nhấn mạnh, thời gian qua, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc đã có những bước phát triển hết sức tích cực, đặc biệt là hợp tác kinh tế. Trung Quốc liên tục 13 năm là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Chỉ tính riêng năm 2016, thương mại song phương đạt 72 tỷ USD, chiếm hơn 1/5 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Năm 2016, Trung Quốc lọt vào top 10 nhà đầu tư FDI lớn nhất Việt Nam, xếp thứ 8 với tổng vốn lũy kế đạt 10,5 tỉ USD.
Thứ trưởng khẳng định, trong các đối tác ở khu vực, Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Đây là chủ trương nhất quán, lâu dài và là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung phát biểu khai mạc tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Đặc biệt, trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Quảng Đông và Hongkong. Bởi Việt Nam, Quảng Đông và Hongkong chính là hai “láng giềng nhỏ trong láng giềng lớn”.
Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với Quảng Đông năm 2016 đạt 17 tỷ USD; với Hongkong là 6,09 tỷ USD. Tính đến tháng 3/2017, Hongkong là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ sáu tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 17 tỷ USD.
Trước những tiềm năng hợp tác giữa hai bên, Thứ trưởng Lê Hoài Trung khẳng định, hợp tác kinh tế hai bên sẽ ngày càng phát triển bền vững và toàn diện.
Trước tiên, thời gian qua, kinh tế Việt Nam liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng trên 6%, bất chấp những thách thức từ khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu. Về phần mình, Quảng Đông tiếp tục là đầu tàu kinh tế của Trung Quốc với tăng trưởng năm 2016 đạt 7.5%, trong khi Hongkong, sau 20 năm trở về với Trung Quốc, tiếp tục khẳng định vững chắc vai trò trung tâm tài chính ở khu vực.
Thứ hai, thị trường tiêu dùng Việt Nam có quy mô và sức mua ngày càng lớn. Đây là một thị trường đầy hứa hẹn cho hàng hóa chất lượng cao của Quảng Đông, Hongkong và của các thương hiệu quốc tế sản xuất tại đây.
(Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Bên cạnh đó, Việt Nam đang từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, may mặc, nông nghiệp, thủy sản. Trong khi đó, Hongkong là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc rộng lớn nói chung.
Thứ ba, hầu hết các lĩnh vực, các ngành công nghiệp của Việt Nam đều đang phát triển mạnh mẽ để bắt kịp với nhịp độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, từ hạ tầng giao thông đến quy hoạch và phát triển đô thị, từ năng lượng đến nông nghiệp công nghệ cao, từ chế tạo máy đến công nghiệp phụ trợ. Các ngành này đều cần nguồn vốn và công nghệ hiện đại, đây chính là dư địa to lớn cho đối tác nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư và nhà thầu đến từ Quảng Đông hay Hongkong. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam luôn quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa nỗ lực cải cách, hội nhập quốc tế.
Thay mặt Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Hồ Tỏa Cẩm hoan nghênh các doanh nghiệp hai nước đã tham dự Tọa đàm. Ông Hồ Tỏa Cẩm cho rằng, trong bối cảnh quan hệ hai nước phát triển tích cực, các cuộc tiếp xúc lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên, kinh tế thương mại phát triển, giao lưu nhân dân diễn ra sôi động, hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước đã trở thành mắt xích rất quan trọng cho mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
Tham tán Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Hồ Tỏa Cẩm phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Quảng Đông và Hongkong có vai trò quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam do có những ưu thế đặc biệt. Quảng Đông là một tỉnh đi đầu về cải cách mở cửa của Trung Quốc và trong 28 năm qua, GDP của địa phương này luôn đứng đầu Trung Quốc. Trong khi đó, nền kinh tế Hongkong có độ mở rất cao với một trung tâm tài chính, thương mại và vận tải lớn, và là trung tâm thanh toán nhân dân tệ lớn nhất Trung Quốc.
Quảng Đông và Hongkong là hai cửa sổ quan trọng để Trung Quốc mở cửa đối ngoại và cũng là nhịp cầu kết nối Trung Quốc với thế giới. Do vậy, việc hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Hongkong-Quảng Đông sẽ tạo một nền tảng vững chắc để hai nước kết nối các chiến lược phát triển chung.
Cũng theo ông Hồ Tỏa Cẩm, nhân dịp tọa đàm lần này sẽ giúp các doanh nghiệp hai bên tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Cùng với đó, làm phong phú hơn nội hàm hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước, đóng góp tích cực vào quan hệ đối tác hợp tác phát triển toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.
Ông Hồ Tỏa Cẩm cũng cho biết, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò là nhịp cầu kết nối các doanh nghiệp hai bên trong thời gian tới.
Tại buổi Tọa đàm, Phó Tỉnh trưởng Thường trực tỉnh Quảng Đông Lâm Thiếu Xuân cho biết, kể từ khi đổi mới đến nay, Việt Nam đã đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất của khu vực châu Á.
Phó Tỉnh trưởng Thường trực tỉnh Quảng Đông Lâm Thiếu Xuân phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Với môi trường đầu tư không ngừng được tối ưu hoá, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, Việt Nam đang trong giai đoạn tràn trề sức sống về phát triển kinh tế thương mại, là điểm đầu tư tốt cho doanh nghiệp Quảng Đông.
Hiện nay, hàng nông sản của Việt Nam như gạo, hoa quả đang rất được ưa chuộng tại Quảng Đông. Các mặt hàng tiêu dùng của Quảng Đông như giày dép, sản phẩm may mặc và đồ điện tử cũng nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng là thị trường đầu tư lớn của Quảng Đông tại ASEAN. Năm 2016, đầu tư của Quảng Đông vào Việt Nam đạt trên 207 triệu USD.
Ông Lâm Thiếu Xuân cho biết thêm, trong thời gian tới, Khu Công nghiệp An Dương tại Hải Phòng sẽ hoàn thành giai đoạn 1, dự kiến thu hút từ 3 doanh nghiệp trở lên tham gia vào đầu tư. Lãnh đạo tỉnh Quảng Đông rất ủng hộ dự án trên, mong mốn dự án trở thành khu công nghiệp kiểu mẫu với chất lượng cao, thân thiện môi trường, công nghệ hiện đại.
Tại buổi Tọa đàm khoảng 60 doanh nghiệp từ Trung Quốc cùng hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu về cơ hội hợp tác kinh doanh thương mại cũng như những nhu cầu theo đặc thù của từng thị trường.