Thép hiện là một lĩnh vực hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Ấn Độ. |
Đầu tháng 10 vừa qua, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Mumbai, Ấn Độ, kết hợp với Hiệp hội Doanh nhân Ấn Độ và Phòng Thương mại Công nghiệp Ấn Độ - Việt Nam và cơ quan Thương vụ Việt Nam tại New Delhi, tổ chức hai cuộc Hội thảo kinh tế trong 2 ngày 4 và 6/10 tại các thành phố Mumbai và Pune. Hội thảo có nhan đề "Các cơ hội đầu tư và kinh doanh giữa Việt Nam và Ấn Độ sau Hiệp định mậu dịch tự do Ấn Độ-ASEAN" được tổ chức nhằm mục đích thúc đẩy việc triển khai chương trình xúc tiến thương mại năm 2010.
Kế hoạch “hướng đông"
Trong chính sách ngoại thương 2009-2014, Ấn Độ đã xác định thị trường Việt Nam là một trong những điểm đến trong kế hoạch "Hướng đông" của mình. Những năm gần đây, quan hệ thương mại Việt Nam-Ấn Độ đã có những bước phát triển đáng kể với mức tăng trưởng 20-30% mỗi năm. Riêng năm 2009 đạt gần 2 tỷ USD. Nhiều tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ đã thành lập văn phòng và đang đầu tư hiệu quả vào Việt Nam trong lĩnh vực: khai thác khoáng sản, công nghiệp ô tô, thép, dầu khí, năng lượng.
Không chỉ có vậy, mối quan tâm của doanh nghiệp Ấn Độ đang ngày càng mở rộng hơn, không chỉ dừng ở các lĩnh vực, mặt hàng truyền thống mà còn lan sang các ngành khác như cung cấp nông nghiệp, văn hóa du lịch, ngân hàng, bảo hiểm…
Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, do có thế mạnh về sản xuất, chế biến nông sản, đồ gỗ, điện tử và linh kiện, khai khoáng nên việc hợp tác sẽ mở cơ hội cho doanh nghiệp Ấn Độ tiếp cận vào khu vực ASEAN.
Có thể thấy, Hiệp định tự do thương mại ASEAN-Ấn Độ, tiếp sau đó là Hiệp định tự do trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư chắn chắc sẽ tạo động lực lớn cho các quan hệ thương mại-đầu tư giữa doanh nghiệp của hai "đối tác chiến lược". Việc tận dụng và khai thác các cơ hội trong mối quan hệ tốt đẹp về chính trị, ngoại giao, văn hóa và kinh tế giữa hai nước phụ thuộc phần lớn vào các kế hoạch cụ thể của doanh nghiệp.
Kiên trì hợp tác
Nhằm giúp cho việc thông tin, giới thiệu tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam đến với Ấn Độ sâu rộng hơn, tại 2 cuộc hội thảo trên, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Sơn Hà đã giới thiệu các chính sách kinh tế, thương mại và đầu tư tại Việt Nam; các Hiệp định thương mại tự do Ấn Độ-ASEAN và lộ trình cắt giảm thuế để các doanh nghiệp Ấn Độ tận dụng lợi thế, đẩy mạnh kinh doanh.
Nhân cơ hội này, doanh nghiệp Ấn Độ đã nêu nhiều câu hỏi liên quan các cơ hội kinh doanh, đầu tư, thành lập doanh nghiệp, mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuê đất đầu tư; thủ tục và những ưu đãi khi đầu tư; vấn đề tuyển dụng lao động, chế độ tiền lương cũng như chính sách quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa hiện hành, thông tin về các hội chợ triển lãm, mức tiêu dùng tại thị trường Việt Nam...
Nhiều thông tin về Việt Nam đã được cập nhật để giải thích, tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nhân bạn. Đồng thời, Hội thảo cũng giới thiệu những địa chỉ hữu ích và các cơ quan liên quan ở trong nước để họ có thể liên hệ tìm hiểu thêm thông tin khi cần thiết.
Các doanh nhân Ấn Độ tham dự hội thảo đều cho rằng Ấn Độ có nhiều cơ hội phát triển thương mại hàng hóa, du lịch và đầu tư tại thị trường Việt Nam; khuyến nghị những lĩnh vực có thể đẩy mạnh hợp tác như dược phẩm, công nghệ thông tin, phụ tùng ôtô, chế biến thực phẩm hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của Việt Nam.
Tham tán Nguyễn Sơn Hà từng có lời khuyên với các doanh nghiệp Việt Nam: khi làm ăn với các đối tác Ấn Độ cần nắm bắt và hiểu phong cách của các doanh nghiệp nước này, họ thường khá từ tốn, chậm rãi nên nhiều khi thỏa thuận được một hợp đồng với các doanh nghiệp Ấn Độ cần mất khá nhiều thời gian. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần kiên trì trong các kế hoạch hợp tác khi đã xác định được đối tác của mình.
Hòa Bình