Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi nhấn mạnh như vậy khi trả lời phỏng vấn TG&VN nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn cấp cao Việt Nam dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 2 tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Hoan nghênh sáng kiến vì thịnh vượng chung
Theo Đại sứ Đặng Minh Khôi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự các hoạt động chính thức của Diễn đàn như Lễ khai mạc, Hội nghị bàn tròn các nhà lãnh đạo cấp cao và có bài phát biểu quan trọng, khẳng định cam kết của Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, hội nhập quốc tế với tư duy “hợp tác cùng thắng, cùng có lợi”, đóng góp cho sự tăng trưởng của kinh tế khu vực và toàn cầu.
Đại sứ Đặng Minh Khôi cho rằng, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là xu thế phát triển chung của thế giới, đem lại tăng trưởng kinh tế vượt bậc cho nhiều quốc gia. (Ảnh: ĐSQ) |
Cũng nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có nhiều cuộc tiếp xúc quan trọng với các lãnh đạo, Trưởng đoàn các nước tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” để trao đổi về các biện pháp làm sâu sắc hơn nữa hợp tác giữa Việt Nam và các nước. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam sẽ tham dự nhiều cuộc hội thảo, diễn đàn dành cho doanh nghiệp và các hoạt động bên lề của Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” và có nhiều cuộc tiếp xúc với các đối tác.
“Có thể thấy, Việt Nam đã tham dự tích cực vào tất cả hoạt động của Diễn đàn lần này, kể cả quá trình chuẩn bị thời gian qua cũng như có nhiều đóng góp tích cực vào Thông cáo chung của Diễn đàn”, Đại sứ Đặng Minh Khôi đánh giá.
Đại sứ Đặng Minh Khôi cho rằng, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là xu thế phát triển chung của thế giới trong những thập kỷ qua, đem lại tăng trưởng kinh tế vượt bậc cho nhiều quốc gia, thúc đẩy mạnh mẽ tiến bộ khoa học – công nghệ, giúp hàng trăm triệu người thoát cảnh đói nghèo.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến liên kết kinh tế, kết nối khu vực nói chung, nhằm thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, liên kết kinh tế giữa các nước và kết nối khu vực trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới. Đại sứ Đặng Minh Khôi chỉ ra 5 nội hàm quan trọng của Sáng kiến “Vành đai và Con đường” là: Chính sách thông thoáng; đường sá liên thông; thương mại thông suốt; tiền tệ lưu thông và lòng dân thông hiểu.
Việt Nam đã tham dự ở cấp Nguyên thủ tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ nhất vào tháng 5/2017. Tháng 11/2017, nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã ký kết Bản ghi nhớ về thúc đẩy kết nối chiến lược giữa khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Các cơ quan có liên quan của Việt Nam đã xác định các lĩnh vực ưu tiên, phương hướng trọng điểm và dự án hợp tác cụ thể, phù hợp với lợi ích, khả năng và điều kiện của mỗi nước; thúc đẩy kết nối về chính sách, hạ tầng, thương mại, vốn và con người, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Thời gian qua, việc triển khai Sáng kiến “Vành đai và Con đường” giữa Trung Quốc với nhiều nước đã đạt một số kết quả bước đầu quan trọng. Hàng hóa Việt Nam có thể thông qua “Tuyến đường liên vận mới đường bộ, đường biển” của Trung Quốc để xuất khẩu sang Trung Quốc và châu Âu, giảm thời gian vận chuyển và chi phí logistics của các doanh nghiệp.
Việt Nam cũng mong muốn tăng cường hợp tác tài chính, tiền tệ, kết nối việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn vốn của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và các quỹ tài chính trong khuôn khổ hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” cũng như các khuôn khổ hợp tác khác; mong muốn thúc đẩy hợp tác xây dựng khu vực hợp tác kinh tế qua biên giới và các khu công nghiệp; thúc đẩy kinh tế - thương mại giữa các địa phương hai nước.
Ngoài ra, theo Đại sứ Đặng Minh Khôi, cần có thời gian để đánh giá về hiệu quả, tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường, vấn đề tài chính của các dự án hợp tác; bảo đảm các tiêu chí bền vững, hiệu quả và bao trùm; ưu tiên các dự án thiết thực, xuất phát từ nhu cầu phát triển của các quốc gia, khu vực.
Đối tác thương mại hàng đầu
Đại sứ Đặng Minh Khôi nhấn mạnh, việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ hai thể hiện mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc không ngừng được tăng cường, củng cố và phát triển.
Việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với hệ thống thương mại đa phương mở, công bằng, minh bạch, bao trùm với nền tảng là WTO cũng như sự ủng hộ của Việt Nam đối với những sáng kiến nhằm thúc đẩy liên kết kinh tế, kết nối khu vực, ứng phó với các thách thức trong tăng trưởng kinh tế khu vực và thế giới trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương của Liên hợp quốc. |
Đại sứ cho biết, thời gian vừa qua, với nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ hai Đảng, hai nước có những bước phát triển quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước diễn ra thường xuyên, liên tục, đã và đang phát huy vai trò định hướng quan trọng để quan hệ hai Đảng, hai Nhà nước phát triển lành mạnh và ổn định, phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước.
Ngay dịp đầu năm mới 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã gửi thư chúc mừng năm mới đến nhân dân hai nước, nhất trí cùng nhau không ngừng nỗ lực thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước tiếp tục phát triển và không ngừng đi vào chiều sâu. Trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp quan trọng với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp dự Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất tại Thượng Hải (4/11); hai lần gặp gỡ Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhân dịp Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong - Lan Thương tại Campuchia (10/1) và Hội nghị Cấp cao ASEM 12 tại Bỉ (18/10).
Đại sứ Đặng Minh Khôi khẳng định, Việt Nam và Trung Quốc đang là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của nhau. Những năm qua, hợp tác kinh tế-thương mại Việt Nam - Trung Quốc có nhiều tiến triển tích cực. Liên tục trong 14 năm, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trong 3 năm gần đây, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 7 của Trung Quốc trên toàn thế giới.
Kim ngạch thương mại của hai nước trong năm 2018 đạt hơn 100 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017. Theo số liệu của cơ quan hải quan Trung Quốc, quý I/2019, kim ngạch thương mại Việt – Trung đã đạt 23,8 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2018. Gần đây, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc đã tăng nhanh hơn tốc độ nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, do đó cán cân thương mại giữa hai nước ngày càng lành mạnh và tỷ lệ nhập siêu từ Trung Quốc đang thu hẹp dần.
Để đạt được kết quả tích cực này, theo Đại sứ Đặng Minh Khôi, là do sự quan tâm của Lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước, nỗ lực rất lớn của Chính phủ và trực tiếp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, của các Bộ ngành và từ chính những nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm cách khai thác, mở cửa thị trường Trung Quốc để phục vụ phát triển trong nước.
Đại sứ Đặng Minh Khôi thông tin, thị trường Trung Quốc đang có nhiều thay đổi theo hướng mở rộng tiêu dùng nội địa, coi trọng chất lượng. Trung Quốc đang khuyến khích các mặt hàng nhập khẩu phải đi theo đường chính ngạch và đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn ngày càng cao.
“Chúng ta cần có cách nhìn nhận đúng, chính xác về nhu cầu của Trung Quốc, không thể coi thị trường Trung Quốc là thị trường ‘dễ tính, đơn giản’ như trước đây. Việc nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu ra thế giới nói chung và sang Trung Quốc nói riêng là chủ trương nhất quán của Việt Nam và cũng phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi tham gia các Hiệp định Thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam ký kết vừa qua”, Đại sứ khuyến nghị.