📞

Hợp tác Mekong – Nhật Bản: Hành trình không nghỉ vì tương lai

08:29 | 02/07/2015
Đã tám năm kể từ khi Nhật Bản nêu đề xuất hợp tác với các nước tiểu vùng Mekong, nhiều thỏa thuận đã đạt được, nhiều dự án đã được triển khai và mang lại lợi ích cụ thể cho các thành viên. Hành trình hợp tác giữa Nhật Bản và các nước khu vực Mekong sẽ vẫn còn tiếp tục với mục tiêu hướng tới một tương lai thịnh vượng chung.
Hội nghị cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ sáu tại Myanmar, tháng 11/2014. (Ảnh: Nhật Bắc)

Khuôn khổ mới với nhiều dự án quan trọng

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 12 ở Philippines (tháng 1/2007), Nhật Bản đã đề xuất Chương trình quan hệ đối tác Mekong – Nhật Bản tập trung vào ba lĩnh vực ưu tiên, bao gồm: Hội nhập kinh tế Tiểu vùng (cải thiện kết cấu hạ tầng, tăng cường liên kết khu vực…); Mở rộng thương mại - đầu tư giữa Nhật Bản và khu vực Mekong; Theo đuổi các giá trị phổ cập và mục tiêu chung của khu vực như xóa đói, giảm nghèo, mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường,…

Để thúc đẩy khuôn khổ hợp tác này, trong giai đoạn 2007–2009, Nhật Bản đã đề xuất bốn sáng kiến. Thứ nhất, Nhật Bản ưu tiên tăng ODA cho khu vực Mekong và từng nước Campuchia, Lào, Việt Nam trong ba năm liên tiếp. Đặc biệt, trong khoản hỗ trợ 52 triệu USD dành cho thúc đẩy hợp tác kinh tế ASEAN - Nhật Bản, Nhật Bản sẽ hỗ trợ gần 40 triệu USD cho Campuchia, Lào, Việt Nam và Myanmar, trong đó, gần 20 triệu USD hỗ trợ cho Tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam ở 22 dự án. Thứ hai, xúc tiến đàm phán các Hiệp định đầu tư song phương với Lào, Campuchia. Thứ ba, tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Nhật Bản - Mekong vào tháng 1/2008 tại Tokyo, Nhật Bản. Cuối cùng, tổ chức năm giao lưu Mekong - Nhật Bản 2009.

Khuôn khổ hợp tác Mekong - Nhật Bản đã chính thức ra đời tháng 1/2008 với Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ nhất giữa Nhật Bản và năm nước Mekong tại Tokyo. Đến nay, Nhật Bản và các nước Mekong đã tiến hành bảy Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao và sáu Hội nghị Cấp cao. Các bên thống nhất sẽ tổ chức các Hội nghị thượng đỉnh, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng kinh tế và Hội nghị quan chức cấp cao (SOM) định kỳ hàng năm. Riêng Hội nghị Thượng đỉnh sẽ nhóm họp ở Nhật Bản ba năm một lần.

Trong giai đoạn 2008-2012, với mục tiêu xây dựng quan hệ đối tác vì sự thịnh vượng chung, trên các cơ sở là Tuyên bố Tokyo, Kế hoạch hành động 63 điều, Sáng kiến hợp tác kinh tế công nghiệp và Sáng kiến Mekong Xanh, hợp tác Mekong - Nhật Bản đã triển khai nhiều dự án quan trọng trong các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, môi trường, giao lưu văn hóa và hợp tác công tư.

Ba trụ cột chính

Tại Hội nghị cấp cao Mekong – Nhật Bản lần thứ tư (4/2012, Tokyo), lãnh đạo Nhật Bản và các nước tiểu vùng Mekong đã chính thức thông qua “Chiến lược Tokyo 2012” - xương sống cho hợp tác hai bên giai đoạn 2013-2015.

Về bối cảnh, chiến lược này ra đời trên cơ sở các nước Mekong và Nhật Bản đã thực hiện thành công Tuyên bố Tokyo và Chương trình hành động 63 điều, được thống nhất tại Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ nhất (Tokyo, tháng 11/2009), từ đó lấy được lòng tin và trở thành đối tác lâu dài không thể thiếu của nhau.

Đặc biệt, các nước Mekong đang bước vào giai đoạn chuyển mình, chuẩn bị cho những bước phát triển mới. Năm 2015 là năm mục tiêu hoàn thành việc xây dựng Cộng đồng ASEAN và các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG).

Về nội dung, Chiến lược Tokyo 2012 bao gồm ba trụ cột hợp tác chính. Trụ cột thứ nhất là tăng cường kết nối trong khu vực Tiểu vùng Mekong. Rõ ràng, trong bối cảnh khu vực Mekong tiếp tục duy trì hòa bình và phát triển, phấn đấu trở thành một khu vực kinh tế năng động thì việc tăng cường kết nối ngày càng trở nên quan trọng.

Để hiện thực hóa mục tiêu kết nối khu vực Mekong, Nhật Bản đã khẳng định hỗ trợ quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và tăng cường hỗ trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng cứng và mềm, nhất là các dự án phát triển Hành lang Kinh tế Đông – Tây (EWEC) và Hành lang Kinh tế phía Nam (SEC). Ngoài ra, các nước Mekong và Nhật Bản nỗ lực triển khai Sáng kiến hợp tác Kinh tế - Công nghiệp Mekong– Nhật Bản (MJ-CI); thực hiện Sáng kiến “Đường vận chuyển hàng hóa châu Á” để vận chuyển hàng hóa liên tục trong châu Á đến năm 2020.

Trụ cột thứ hai là hợp tác cùng phát triển giữa các nước Mekong và Nhật Bản. Một khu vực Mekong được kết nối tốt cần những hành động và biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế.

Dân số của khu vực Mekong tiếp tục tăng trưởng, khu vực Mekong vẫn còn nguồn lực và tài nguyên chưa dùng đến, như các nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, lực lượng lao động năng động, tiềm năng du lịch lớn.

Nhằm triển khai trụ cột này, các nước Mekong và Nhật Bản đã đề ra một số biện pháp cụ thể để thu hút đầu tư nước ngoài và mở rộng sự phát triển của các ngành công nghiệp ở các nước Mekong. Hai bên cũng tìm ra nhiều biện pháp thúc đẩy du lịch nhằm tạo động lực phát triển hơn nữa cho nền kinh tế, gắn kết các nước Mekong vào nền kinh tế thị trường toàn cầu.

Cụ thể, các nước đã hợp tác nhằm thúc đẩy đàm phán về đầu tư và thương mại của lĩnh vực dịch vụ trong Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện giữa Nhật Bản và các quốc gia thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (AJCEP); thực hiện Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) và Hiệp định khung về Dịch vụ trong ASEAN (AFAS); đàm phán hiệp định đầu tư song phương giữa Myanmar và Nhật Bản.

Trụ cột thứ ba là Bảo vệ môi trường và an ninh con người. Hợp tác Mekong – Nhật Bản cần được thúc đẩy trong lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, y tế công cộng, an ninh và an toàn thực phẩm, và bảo trợ xã hội. Vì vậy, các nước đã cam kết hiện thực hóa ý tưởng về “Mạng lưới Quản lý Thiên tai ASEAN”; thực hiện “Kế hoạch hành động của Sáng kiến Thập kỷ Mekong xanh”; quản lý nguồn nước trong các thể chế/tổ chức khu vực và quốc tế liên quan, đặc biệt là Uỷ hội sông Mekong quốc tế (MRC)…

Để hoàn thành cả ba trụ cột trên, Nhật Bản nhấn mạnh vai trò quan trọng của vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nhất là trong việc xây dựng các nền tảng xã hội như cơ sở hạ tầng thiết yếu, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh tế, cũng như các hành động và biện pháp để bảo đảm các nhu cầu cơ bản của con người.

Cam kết tăng cường kết nối khu vực

Trong giai đoạn 2013-2015, Hội nghị cấp cao Mekong – Nhật Bản lần thứ năm (12/2013, Tokyo) đã rà soát lại những kết quả đạt được trong việc triển khai Chiến lược Tokyo 2012 và thảo luận về các nội dung hợp tác tiếp theo. Lãnh đạo các nước đã cam kết tăng cường kết nối khu vực thông qua phát triển các hành lang kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh trong khu vực; phát triển chuỗi cung ứng khu vực tối ưu và tiếp tục thúc đẩy hợp tác công tư; đặc biệt, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực y tế, y tế dự phòng, sức khỏe bà mẹ và trẻ em, bệnh truyền nhiễm và ứng dụng công nghệ.

Thủ tướng Shinzo Abe cũng đề xuất danh sách sửa đổi 57 dự án mà Nhật Bản ưu tiên hợp tác với Mekong, cam kết Nhật Bản sẽ hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại Hội nghị cấp cao Mekong – Nhật Bản gần đây nhất (11/2014), các bên đã nhất trí triển khai ba vấn đề lớn. Đó là tăng cường kết nối khu vực Mekong, trong đó chú trọng phát triển các hành lang kinh tế và các tuyến đường mới gắn kết tiểu vùng Mekong với tiểu lục địa Ấn Độ - Nam Á; xây dựng “Tầm nhìn phát triển công nghiệp Mekong” nhằm phát triển các chuỗi giá trị khu vực và tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh giữa tiểu vùng Mekong và Nhật Bản; và hợp tác phát triển bền vững tiểu vùng Mekong thông qua thúc đẩy tăng trưởng các bon thấp, chú trọng tính bền vững về môi trường và xã hội trong phát triển hạ tầng cơ sở, xây dựng năng lực ứng phó biến đổi khí hậu và bảo tồn điều kiện tự nhiên của Tiểu vùng Mekong.

Hằng Trúc