📞

Hợp tác Việt Nam – Canada: Mở rộng cửa đón tương lai

10:55 | 17/11/2011
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Toàn quyền Canada David Lloyd Johnston, từ ngày 16-19/11, được kỳ vọng là sẽ mở ra một cánh cửa rộng để đón tương lai tươi sáng của mối quan hệ hợp tác vốn tốt đẹp giữa hai nước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đón Ngài David Johnston, Toàn quyền Canada, ngày 16/11/2011, tại Hà Nội.

Các chuyến thăm cấp Nhà nước là hình thức tiếp xúc ngoại giao cao nhất, đánh dấu các bước phát triển xa hơn trong quan hệ giữa các nước. Ý nghĩa cao đẹp ấy về mặt chính trị càng được chú ý hơn khi đây là lần đầu tiên một Toàn quyền của Canada thăm Việt nam kể từ ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây gần 40 năm (tháng 8/1973).

Tại cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hôm 16/11, Toàn quyền David Johnston khẳng định Canada mong muốn tăng cường quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam về mọi mặt. Còn Chủ tịch nước Việt Nam thì nhấn mạnh chính sách của Việt Nam coi trọng quan hệ với Canada, đồng thời tin tưởng hai nước sẽ triển khai nhiều hoạt động hợp tác hiệu quả hơn nữa, thiết thực hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào tháng 8/2013. Hai nhà lãnh đạo đã cùng trao đổi phương hướng và biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ "Đối tác toàn diện, ổn định lâu dài" giữa hai nước.

Chuyến công du Việt Nam của Toàn quyền David Johnston nằm trong định hướng của Canada về việc đa dạng hóa các quan hệ ở Đông Á và Đông Nam Á. Trước chuyến thăm, vị Toàn quyền thứ 28 của Canada đã nói: "Thật là một niềm vui lớn và lý thú đối với tôi khi dẫn đầu đoàn đại biểu bao gồm các học giả nổi tiếng và doanh nhân thành đạt của Canada sang thăm Việt Nam. Các chuyến thăm cấp Nhà nước này là cơ hội để chúng ta chứng kiến tận mắt hoạt động của Canada tại Đông Nam Á".

Những năm qua, vốn đầu tư của Canada vào Việt Nam ngày càng lớn, từ 37 dự án với vốn đầu tư hơn 228 triệu USD năm 2006 lên 110 dự án với tổng vốn 4,63 tỷ USD (tính đến tháng 8/2011), vươn lên đứng vị trí thứ 13 trong số 92 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Đấy là chưa tính đến hơn 2 tỷ USD mà công ty Talisman của Canada đầu tư vào các dự án dầu khí tại Việt Nam.

Quan hệ thương mại giữa hai nước trong thập kỷ qua cũng liên tục phát triển theo chiều hướng gia tăng, song vẫn ở mức khiêm tốn so với tiềm năng, từ 121 triệu USD năm 1998 đã lên tới 1,4 tỷ năm 2010. Hiện nay, dù Việt Nam đã vươn lên thành nước có thu nhập trung bình nhưng Canada vẫn tiếp tục duy trì viện trợ phát triển cho Việt Nam.

Từ năm 1992 đến nay, hai nước đã ký 32 điều ước quốc tế nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, tránh đánh thuế hai lần, hàng không, cải cách hành chính... Hai nước đã tiến hành 8 vòng đàm phán Hiệp định thúc đẩy và bảo hộ đầu tư (FIPA) và một số thỏa thuận khác về hợp tác giáo dục, giao thông vận tải và tư pháp. Điều đó càng cho thấy sự quan trọng của chuyến thăm Việt Nam lần này của Toàn quyền David Lloyd Johnston, là dịp để hai nước hiện thực hóa những chủ trương, chính sách hợp tác đã ký kết, với kỳ vọng đưa kim ngạch thương mại hai chiều vượt xa con số 1,4 tỷ USD của năm 2010.

Trước thách thức chung do biến đổi khí hậu gây ra, hai bên đã nhất trí chọn biến đổi khí hậu là lĩnh vực ưu tiên hợp tác trong thời gian tới. Ngoài ra, hai nước cũng đang triển khai thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực khác như lao động, du lịch... Mới đây hai bên cũng đã ký bản ghi nhớ về hợp tác việc làm và phát triển nhân lực.

Theo Đại sứ Canada tại Việt Nam - bà Deborah Chatsis, một trong những ưu tiên hợp tác hàng đầu của Canada với Việt Nam là giáo dục và đào tạo. Hiện có ít nhất 3.000 học sinh, sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường ở Canada. "Chúng tôi mong muốn thiết lập thêm các hợp tác liên kết giữa các cơ sở giáo dục dục đào tạo của Canada với Việt Nam và sớm có thêm nhiều hơn nữa chương trình giáo dục của Canada được đưa vào giảng dạy ở Việt Nam", Đại sứ Chatsis nói.

Hiện có khoảng 250.000 người Việt Nam sinh sống tại Canada, tập trung ở các thành phố lớn. Canada có diện tích gấp khoảng 30 lần Việt Nam, với dân số 34 triệu người, là quốc gia phát triển, thành viên của G8 và G20. Thu nhập bình quân đầu người của Canada năm ngoái hơn 47.000 USD. Nước này đứng hàng đầu thế giới trong các ngành công nghệ cao, công nghệ sinh học, môi trường, phần mềm.

Tường Ngân