Nhỏ Bình thường Lớn

Hợp tác Việt Nam - châu Phi: Xa sẽ hóa gần

Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng kể, mỗi lần đi châu Phi, ông phải quá cảnh đến 2-3 lần. Nhưng ông tin rằng, khoảng cách này sẽ sớm được rút ngắn lại, nhờ những nỗ lực cải thiện quan hệ hai bên, chẳng hạn như Hội thảo “Việt Nam - châu Phi: Hợp tác cùng phát triển bền vững" tại Hà Nội vào giữa tháng 8 tới.

Cách nhau cả ngàn cây số nhưng Việt Nam và các nước châu Phi có rất nhiều điểm tương đồng. Việt Nam là nước bạn bè truyền thống của nhiều dân tộc tại châu Phi. Những kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực luôn được Việt Nam sẵn sàng chia sẻ để cùng tìm biện pháp thúc đẩy hợp tác phát triển.

Với diện tích hơn 30,2 triệu km2, dân số khoảng 1 tỷ người, giàu tài nguyên thiên nhiên, châu Phi hứa hẹn là thị trường tiêu thụ hàng hóa và cung ứng nguyên liệu chủ lực của Việt Nam cho những năm tới.

Các rào cản

Một Đại sứ châu Phi tại Việt Nam kể, bạn ông khi nghe về dự án hợp tác với Việt Nam đã hỏi rằng: Tại sao lại làm ăn ở một nước vẫn còn chiến tranh như thế? Và đó không phải là số ít. Rất nhiều người vẫn gắn cái tên Việt Nam với chiến tranh, đủ để hiểu tại sao sự hiểu biết giữa hai bên còn chưa nhiều.

Hơn nữa, chính vì ít thông tin nên doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn tâm lý "ngại" làm ăn với châu Phi. Trước đây, các nhà ngoại giao tìm đến châu Phi nhưng chưa có kết quả triển khai cụ thể vì doanh nghiệp Việt Nam phần thì quan tâm đến thị trường lớn, chưa tìm đến châu Phi, phần thì chưa tìm đến sự hỗ trợ từ nhà nước trong việc khai thác thông tin. Do vậy, cơ chế hợp tác chưa phát triển như Việt Nam với các đối tác lớn khác. Để tới châu Phi, phải đi 3-4 chặng mới đến được một nước. Không chỉ có vậy, bất đồng về ngôn ngữ cũng là một trong những rào cản.

Cơ hội cần nắm bắt

Châu Phi hiện đang là "đích ngắm" của Mỹ, các nước châu Âu và Trung Quốc. So với những "ông lớn" đó, Việt Nam vẫn có những lợi thế riêng như kinh nghiệm thiết thực về phát triển nông nghiệp, các chuyên gia y tế, giáo dục được đánh giá cao, thậm chí còn nhận được cảm tình hay sự yên tâm hơn trong hợp tác từ phía các nước châu Phi. Châu Phi là thị trường cạnh tranh lớn nhưng không có nghĩa là không thể. Điều đó được minh chứng trong hợp tác dầu khí, đầu tư của Việt Nam vào một số lĩnh vực ở châu Phi như công nghiệp, viễn thông, khai khoáng. Nhiều nước muốn chuyên gia Việt Nam sang giúp về vấn đề y tế, giáo dục. Thậm chí, các nước này còn muốn nhận lao động Việt Nam sang xây dựng cơ sở hạ tầng... Với xuất phát điểm giống nhau, mỗi nước có cách đi, cách tiếp cận của riêng của mình.

Chung Hương

Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 51/54 quốc gia châu Phi và có thương mại với tất cả các nước châu Phi. Kim ngạch thương mại tăng nhanh qua từng năm, từ 360 triệu USD năm 2003 lên hai tỷ USD năm 2008, gấp đôi mục tiêu đặt ra trong Chương trình hành động 2004-2010. Ðặc biệt, trong năm 2009, dù gặp nhiều khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, kim ngạch thương mại Việt Nam - châu Phi vẫn đạt 2,07 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất sang châu Phi 1,56 tỷ USD giá trị hàng hóa và nhập khẩu 510 triệu USD.