Tọa đàm nhằm tìm ra những định hướng, cơ hội hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn giữa các nước EU và Việt Nam. (Ảnh: Phạm Hiền) |
Tham dự Tọa đàm, về phía Việt Nam có Vụ trưởng Vụ châu Âu, Bộ Ngoại giao Bùi Hà Nam; đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo quốc gia (NIC) Võ Xuân Hoài; các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước Liên minh châu Âu (EU); về phía EU có Đại sứ EU tại Việt Nam Julien Guerrier, các Đại sứ nước thành viên và đại diện các doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc, Vụ trưởng Vụ châu Âu Bùi Hà Nam cho biết, EU là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, hai bên có sự tin cậy chính trị, là đối tác thương mại đầu tư quan trọng của nhau. Đây là nền tảng quan trọng để Việt Nam và EU hướng tới hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược như công nghiệp bán dẫn.
Vụ trưởng Vụ châu Âu bày tỏ hy vọng, với nền tảng khoa học công nghệ tiên tiến và hệ thống giáo dục toàn diện, chất lượng, các đối tác EU có thể giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu phát triển nguồn nhân lực nói chung và trong lĩnh vực bán dẫn nói riêng.
Vụ trưởng Vụ châu Âu Bùi Hà Nam phát biểu khai mạc. (Ảnh: Phạm Hiền) |
Tại Tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận 3 nội dung chính gồm: Những định hướng, thuận lợi, khó khăn và đề xuất của các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo Việt Nam trong tham gia triển khai đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn; các bộ, ngành Việt Nam cần làm gì để đào tạo nguồn lực lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn nói chung và đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn nói riêng; và các nước EU có thể tham gia như thế nào vào kế hoạch đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn của Việt Nam.
Đánh giá về mức độ sẵn sàng của Việt Nam trong ngành bán dẫn, Phó Giám đốc NIC Võ Xuân Hoài cho biết, Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong ngành bán dẫn, thu hút nhiều công ty sản xuất và công nghệ lớn trên thế giới như Intel, Amkor, Hana Micron, Samsung... đầu tư và sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một “người chơi” mới.
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 50 công ty thiết kế, 5 công ty đóng gói và thử nghiệm vi mạch, hơn 10 doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn. Việt Nam rất tích cực trong việc thu hút các công ty nước ngoài trong lĩnh vực này và chú trọng đầu tư nhân lực cho ngành.
Phó Giám đốc NIC Võ Xuân Hoài phát biểu. (Ảnh: Phạm Hiền) |
Tháng 9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 1018/QĐ-TTg và Quyết định 1017/QĐ-TTg về ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Ngoài ra, Chính phủ đặt mục tiêu tới năm 2030, Việt Nam đào tạo được 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam rất quyết tâm đạt được mục tiêu này.
Đóng góp tham luận tọa đàm, một số Đại sứ các nước EU tại Việt Nam cho biết, khối rất quan tâm đầu tư và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam. Đại sứ Italy tại Việt Nam Marco Della Seta khẳng định, chiến lược tập trung phát triển nhân lực ngành đến năm 2030 của Việt Nam phù hợp với cách tiếp cận của Italy trong thúc đẩy lực lượng lao động thông qua quan hệ đối tác giữa các trường đại học.
Italy có hệ sinh thái mạnh mẽ gồm các tổ chức nghiên cứu và học thuật trong lĩnh vực này như Politechnica di Milano, Scholar Superiores, PISA... Vì vậy, Italy có thể hợp tác Việt Nam về phương diện này.
Các Đại sứ Pháp, Đức, Hà Lan cũng tích cực chia sẻ về các trường đào tạo và khả năng hợp tác trong tương lai giữa Việt Nam và các nước trong lĩnh vực bán dẫn.
Đại sứ Italy tại Việt Nam Marco Della Seta trình bày tham luận. (Ảnh: Phạm Hiền) |
Tại tọa đàm, đại diện các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn của EU như Hiệp hội bán dẫn Semi, Dassault Systems, NXP, Hexagon, Synergie CAD... cũng đã tham luận về tiềm năng, cơ hội cũng như thách thức đối với các doanh nghiệp trong ngành, đồng thời đề xuất hướng hợp tác hiệu quả giữa EU và Việt Nam.
Kết luận tọa đàm, Vụ trưởng Bùi Hà Nam khẳng định, để đạt mục tiêu có 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn đến năm 2030 và vượt qua khó khăn trong việc nghiên cứu, đào tạo, giảng dạy lĩnh vực mới mẻ này, Việt Nam cần có nguồn nhân lực lành nghề, được đào tạo bài bản cũng như đầu tư hơn nữa cho cơ sở vật chất và các trường đào tạo. Do vậy, Việt Nam cần tích cực, chủ động hợp tác trao đổi sinh viên, kỹ sư tại các trường đại học, viện nghiên cứu chuyên sâu về bán dẫn tại các nước EU. Đây là mục tiêu hai bên quyết tâm hợp tác nhằm hiện thực hóa, cùng khai thác những tiềm năng và cơ hội rộng mở phía trước.
| Nhà báo Trung Quốc: Thủ tướng Lý Cường thăm Việt Nam - khởi điểm mới trong hợp tác tương lai hai nước Nhà báo Kiều Quân, chuyên gia về Việt Nam tại Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CMG) nhận định về mục ... |
| Hợp tác Việt Nam-Tây Ban Nha vì một tương lai xanh Tối ngày 21/10, Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam tổ chức khai mạc triển lãm “Rừng và biến đổi khí hậu” tại ... |
| Việt Nam hợp tác cùng thắng để phát triển ngành Halal Đại diện Singapore và Indonesia trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam bên lề Hội nghị Halal toàn quốc 2024 ngày 22/10. |
| Nhật Bản đặt mục tiêu khai thác 1,5 triệu kilowatt năng lượng địa nhiệt vào năm 2030 Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ các công ty tư nhân đẩy mạnh phát triển các nhà máy điện địa nhiệt và đặt mục tiêu ... |
| Nhật Bản đặt mục tiêu chuyển đổi sang xe dùng nhiên liệu sinh học vào những năm 2030 Chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi các nhà sản xuất ô tô đến đầu những năm 2030, chuyển đổi xe mới của họ sang ... |