📞

HSF - Người bạn thân thiết của Việt Nam

14:46 | 04/04/2014
Ngày 1/4, sau buổi ký kết Biên bản Ghi nhớ hợp tác giữa Viện Hanns Seidels Foundation (HSF) với Vụ Kinh tế Đa phương (Bộ Ngoại giao) giai đoạn 2014-2016, lễ ký và trao Giấy phép lập Văn phòng Đại diện tại Việt Nam cho HSF, Giám đốc điều hành HSF Peter Witterauf đã có cuộc trao đổi với TG&VN.
Ông Peter Witterauf (thứ tư từ trái) và Thứ trưởng Hà Kim Ngọc (giữa). Ảnh: Minh Châu/TGVN

Ông có thể nói gì về kết quả hợp tác nổi bật nhất của Viện tại Việt Nam?

Tôi cho rằng kết quả quan trọng nhất là sự hội nhập quốc tế của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế như WTO và ASEAN ngày càng mạnh mẽ hơn. Chúng ta đã có thể cùng thảo luận về những vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế bền vững, chính sách môi trường. Sự hợp tác giữa HSF và các đối tác Việt Nam trong những lĩnh vực này đã phát triển rất tốt trong thời gian qua.

Vậy mục tiêu hợp tác chính của HSF tại Việt Nam là gì?

Tôi cho rằng điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là tiếp tục thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và CHLB Đức. Hiện nay, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU) và chúng tôi mong muốn tiếp tục tăng cường củng cố hơn nữa quan hệ kinh tế này.

Chúng tôi cũng muốn tư vấn cho Việt Nam trong quá trình phát triển, đặc biệt trong những lĩnh vực như: biến đổi khí hậu, môi trường kinh tế, xã hội. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để có thể cân bằng được giữa sự phát triển kinh tế và các vấn đề xã hội.

Ông có thể nói thêm về nội dung hợp tác trong lần ký kết này?

Trong buổi tiếp ông Peter Witterauf, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã khẳng định, những kết quả hợp tác thiết thực mà HSF mang lại đã thực sự đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Các nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam - Đức đã khiến HSF thực sự được coi là người bạn thân thiết không chỉ của Bộ Ngoại giao mà của nhiều bộ, ngành và địa phương.

Chúng tôi xác định sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo, chương trình đào tạo có sự tham gia của các cán bộ trong nhiều lĩnh vực của Việt Nam để thảo luận về các vấn đề quan trọng của tương lai. Chắc chắn sẽ có những câu hỏi rất quan trọng như làm thế nào để Việt Nam tiếp tục củng cố và khẳng định tốt hơn vị trí của mình trong cộng đồng quốc tế hay Việt Nam sẽ giữ vị trí nào trong việc bảo vệ môi trường và khí hậu toàn cầu. Đây là lĩnh vực mà chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ Việt Nam cùng với những lĩnh vực khác như phát triển kinh tế thị trường thông qua việc tổ chức các hoạt động cụ thể. Tại đây, người tham gia có thể tìm hiểu cách thức phát triển công tác xây dựng pháp luật xã hội, và đưa ra được bộ luật phù hợp nhằm có tác động và hỗ trợ kịp thời.

Tương lai hợp tác giữa HSF với các đối tác Việt Nam ra sao, thưa ông? Ông đánh giá thế nào về vai trò của Bộ Ngoại giao trong việc hợp tác này?

Sự hợp tác của HSF và các đối tác Việt Nam trong những năm qua ngày càng phát triển mạnh mẽ bởi vì từ năm 2011, Viện đã có văn phòng đại diện ở đây với Trưởng đại diện là ông Axel Neubert. Đặc biệt, chúng ta lại vừa ký biên bản ghi nhớ kéo dài quá trình hợp tác đến năm 2016 nên tôi cho rằng quá trình hợp tác đã tiến triển rất tốt, qua đó thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Đức ngày càng chặt chẽ hơn.

Bộ Ngoại giao Việt Nam là đối tác hợp tác quan trọng nhất của chúng tôi ở đây. Hai bên đã có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp từ nhiều năm nay và ngày càng tốt hơn. Hai bên cảm thấy rất tin cậy lẫn nhau và chúng tôi rất cảm ơn về điều đó.

Cảm nhận của ông qua chuyến thăm lần này?

Trong chuyến thăm và làm việc lần này, một mặt chúng ta đã ký được những thỏa thuận hợp tác trong tương lai và điều này đã tạo cơ sở rất tốt cho HSF và các đối tác có thể lên kế hoạch trong những năm tới. Mặt khác, với tư cách Giám đốc điều hành của một viện chính trị lớn nên tôi muốn có cảm nhận riêng về Việt Nam và những vấn đề quan trọng mà Việt Nam đang phải đối mặt trong thời điểm hiện nay. Cả hai điều trên đều rất quan trọng với tôi.

Xin cảm ơn ông!

HSF là tổ chức phi chính phủ có uy tín tại CHLB Đức, thành lập năm 1967 theo sáng kiến của Đảng Xã hội Thiên chúa giáo - CSU. Hoạt động của HSF được tài trợ bởi Chính phủ CHLB Đức, bang Bavaria và các nguồn đóng góp tư nhân. Hiện HSF có 95 dự án tại 72 nước, trong đó, có 6 nước Đông Nam Á là Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Chuyến thăm này của ông Peter Witterauf, nhân vật thứ hai của HSF, là chuyến thăm thường niên mà lãnh đạo Viện HSF tiến hành kể từ năm 2009 và là chuyến thăm lần thứ hai của ông đến Việt Nam.

K.C

Thành Châu (thực hiện)