📞

Hungary 'phát ngán' với chỉ trích của phương Tây, 'lừng khừng' chuyện Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO

Hồng Phúc 06:53 | 26/03/2023
Trong cuộc phỏng vấn mới đây với hãng tin AP, Ngoại trưởng Hungary Péter Szijjártó lý giải việc Budapest chưa bỏ phiếu về việc có cho phép Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.
Ngoại trưởng Hungary Péter Szijjártó trả lời phỏng vấn AP ngày 24/3. (Ảnh chụp màn hình)

Theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Hungary, việc phương Tây liên tục chỉ trích Hungary về các vấn đề dân chủ và văn hóa khiến chính phủ cánh hữu của quốc gia nhỏ bé ở châu Âu này không sẵn lòng đưa ra hỗ trợ về các vấn đề thực tế, đặc biệt là việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường sức mạnh chống lại Nga.

Ngoại trưởng Péter Szijjártó khẳng định, đất nước của ông chưa bỏ phiếu về việc có cho phép Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO hay không là do các nhà lập pháp Hungary "phát ngán" với những lời chỉ trích của những nước đó về các vấn đề nội bộ của Hungary.

EU, bao gồm 21 quốc gia NATO, đã đóng băng hàng tỷ USD tài trợ cho Budapest và cáo buộc Thủ tướng Viktor Orban đàn áp quyền tự do truyền thông và quyền LGBT.

Các nhà lập pháp thuộc đảng cầm quyền ở Hungary có kế hoạch tổ chức bỏ phiếu ủng hộ nguyện vọng của Phần Lan vào ngày mai, 27/3.

Tuy nhiên, "những lo ngại nghiêm trọng đã được nêu ra" trong những tháng gần đây về Phần Lan và Thụy Điển, “chủ yếu là do hành vi rất thiếu tôn trọng của giới tinh hoa chính trị ở hai nước này đối với Hungary".

“Bạn biết đấy, khi các chính trị gia Phần Lan và Thụy Điển đặt câu hỏi về bản chất dân chủ của hệ thống chính trị của chúng tôi, điều đó thực sự không thể chấp nhận được”, ông nói.

Nhà ngoại giao Hungary còn cho hay, thời điểm bỏ phiếu cho Thụy Điển gia nhập NATO còn "khó dự đoán hơn".

Trước đó, ngày 23/3, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết ông sẽ yêu cầu Hungary giải thích lý do Quốc hội nước này trì hoãn việc chấp thuận Thụy Điển gia nhập NATO mà không làm như vậy đối với Phần Lan.

Phần Lan và Thụy Điển cùng nộp đơn xin gia nhập NATO từ tháng 5/2022. Theo quy định, đơn này cần được sự chấp thuận của toàn bộ 30 nước thành viên của NATO. Hiện vẫn còn Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary chưa "gật đầu" với hồ sơ của hai quốc gia Bắc Âu.