Tuần lễ Cấp cao lần thứ 26 của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại thủ đô Port Moresby (Papua New Guinea) diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc. Cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn gay gắt. Hệ thống thương mại đa phương đứng trước nhiều thách thức.
Trước sự bất đồng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề thương mại, sự chia rẽ giữa các nền kinh tế về chính sách hội nhập kinh tế và toàn cầu hóa, cũng như sự cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc lớn, lãnh đạo nhiều nền kinh tế thành viên APEC đã kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ trong khu vực để đối phó với các thách thức.
Các Nhà lãnh đạo kinh tế APEC chụp ảnh chung. |
Tiếp tục đề cao tự do thương mại
Bên lề Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 26, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand, các Bộ trưởng Ngoại giao Papua New Guinea, Nhật Bản, Australia và nhiều Bộ trưởng Ngoại giao APEC, gặp và trao văn bản phê chuẩn Hiệp định CPTPP cho Bộ trưởng Thương mại và Xuất khẩu New Zealand. |
Trả lời báo chí về kết quả của Tuần lễ Cấp cao APEC 2018, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, bên cạnh nhiều kết quả quan trọng đạt được, Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 26 cũng bộc lộ quan điểm khác biệt sâu sắc giữa một số thành viên, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc về bảo hộ thương mại và hệ thống thương mại đa phương. “Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến Hội nghị Cấp cao kết thúc không thông qua được Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo APEC như thông lệ”, Thứ trưởng nói.
Theo Thứ trưởng, Hội nghị năm nay là lần đầu tiên trong 26 kỳ Hội nghị Cấp cao APEC mà các nhà Lãnh đạo không đưa ra được Tuyên bố chung. Đây là kết quả thất vọng đối với tất cả các thành viên, song cũng phản ánh tình hình căng thẳng trong quan hệ thương mại quốc tế giai đoạn hiện nay.
“Tuy vậy, các thành viên đều bày tỏ tin tưởng vào vai trò quan trọng không thể thiếu của APEC, một cơ chế liên kết kinh tế đã đứng vững qua nhiều thăng trầm trong ba thập niên phát triển, đồng thời đã khẳng định vị thế là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu, có quy mô lớn nhất tại châu Á – Thái Bình Dương, góp phần quan trọng đưa khu vực trở thành động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu”, Thứ trưởng cho hay.
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, dù còn nhiều khác biệt, các nền kinh tế thành viên đã thúc đẩy một số kết quả quan trọng nhằm triển khai cam kết của các nhà Lãnh đạo tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 về liên kết kinh tế khu vực, kết nối toàn diện, kinh tế số, tăng trưởng bền vững và bao trùm: nhất trí nỗ lực hoàn tất thực hiện các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020, thúc đẩy thương mại điện tử, dịch vụ, giải quyết các hàng rào phi quan thuế, hướng tới hình thành Khu vực Thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP); đẩy nhanh thực hiện Kế hoạch tổng thể kết nối APEC đến năm 2025, chú trọng kết nối hạ tầng - thể chế - con người, đầu tư hạ tầng chất lượng…
Đồng thời, triển khai Chương trình hành động về phát triển bao trùm và Khuôn khổ phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số được thông qua tại Đà Nẵng; thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo, bao trùm, đẩy mạnh cải cách cơ cấu, hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), phát triển nông thôn-đô thị, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ...
Tại Hội nghị lần này, các thành viên đã đề ra một số biện pháp nhằm tạo môi trường mở, dễ tiếp cận và an toàn cho kinh tế số, tăng trưởng bao trùm về số, phát triển cơ sở hạ tầng số, thương mại số, thúc đẩy sáng tạo và các công nghệ số, đào tạo kỹ năng và thu hẹp khoảng cách số.
Bên cạnh đó, các thành viên nhất trí đẩy mạnh triển khai cam kết đạt được năm 2017 về xây dựng Tầm nhìn APEC sau năm 2020. Hội nghị ủng hộ xây dựng Tầm nhìn APEC sau 2020 hướng tới cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng, vì người dân và doanh nghiệp.
Việt Nam: Thành viên tích cực, chủ động, trách nhiệm
Dù Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh có sự cọ xát giữa hai xu hướng bảo hộ và tự do hóa thương mại, song từ kết quả của năm APEC Việt Nam 2017, nhiều sáng kiến của Việt Nam đã tiếp tục được cụ thể hóa, trong đó sáng kiến phát triển bao trùm về tài chính, kinh tế và xã hội được coi là nền tảng để các nền kinh tế cùng nhau tập trung xây dựng chương trình hành động.
Ngày 18/11, tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 26 của APEC, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã có những phát biểu mạnh mẽ, được các nền kinh tế thành viên đánh giá cao về thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư, ủng hộ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), liên kết kinh tế, phát triển bền vững, bao trùm và chuyển đổi nền kinh tế số.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế chuyển biến nhanh và phức tạp hơn dự báo; nền kinh tế toàn cầu xuất hiện những dấu hiệu bất ổn, những thách thức mới, chưa có tiền lệ, đe dọa sự ổn định của hệ thống thương mại, kinh tế toàn cầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, APEC cần tiếp tục tạo các động lực mới cho tăng trưởng, thương mại, đầu tư, kết nối và phát triển bao trùm, để mọi người dân không ai bị bỏ lại phía sau, cùng được thụ hưởng thành quả của toàn cầu hóa và liên kết kinh tế trong kỷ nguyên số. Chỉ có như vậy, APEC mới khẳng định được vị thế là diễn đàn kinh tế khu vực hàng đầu.
Thủ tướng đã đề xuất nhiều định hướng đẩy mạnh thương mại và đầu tư tự do và mở, liên kết kinh tế khu vực, kết nối và phát huy vai trò đi đầu của APEC trong thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, ủng hộ vai trò của các định chế toàn cầu, hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, công bằng và vai trò trung tâm của WTO.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị APEC cần đóng vai trò khởi xướng, “vườn ươm” cho những ý tưởng về đổi mới sáng tạo để châu Á – Thái Bình Dương trở thành trung tâm công nghệ toàn cầu.
Thủ tướng cũng đưa ra nhiều đề xuất nhằm phát triển kinh tế số, nổi bật là, kết nối số, thương mại số, công nghệ tài chính, kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo, đầu tư hạ tầng số, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, hỗ trợ các thành viên đang phát triển chuyển đổi cơ cấu, xây dựng năng lực quản trị, nền tảng công nghệ số, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại châu Á – Thái Bình Dương.
Việt Nam đã phối hợp với các thành viên đẩy mạnh triển khai các kết quả quan trọng của Năm APEC 2017. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị APEC cần thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và sáng tạo, thực hiện SDGs, đặt người dân vào trung tâm của phát triển, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Với vai trò khởi xướng xây dựng Tầm nhìn APEC sau năm 2020 của Việt Nam, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng đưa ra nhiều đề xuất nhằm hướng tới xây dựng cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng.
Đánh giá về những đóng góp của Việt Nam tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2018, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực, chủ động và có trách nhiệm.
“Trước tình hình căng thẳng của Hội nghị, trên cơ sở kinh nghiệm và những kết quả của năm 2017, đoàn Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN và chủ nhà Papua New Guinea đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ.
Trong hai ngày từ 17 – 18/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một chương trình làm việc dày đặc với cường độ cao, dự trao đổi, chia sẻ ý kiến tại các phiên họp kín, phiên ăn trưa làm việc của các nhà lãnh đạo APEC, đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), với lãnh đạo 14 quốc đảo Thái Bình Dương, với Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) và có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với Thủ tướng New Zealand, Vanuatu, Thái Lan, lãnh đạo một số Quốc đảo Thái Bình Dương, Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hongkong (Trung Quốc); tiếp Liên minh các doanh nghiệp Hoa Kỳ trong APEC… |