Ngoài 10 điểm sáng về kinh tế-xã hội và một số điểm tồn tại đã nêu đầu phiên họp, phát biểu kết luận, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số điểm như đầu tư toàn xã hội tăng cao hơn cùng kỳ năm trước, trong đó đầu tư khu vực tư nhân trong nước có tỉ trọng lớn nhất, mức tăng trưởng cao nhất. Chất lượng các dự án FDI khá hơn. Kim ngạch xuất khẩu, nhất là của các doanh nghiệp trong nước tăng cao hơn cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới, trong đó có những doanh nghiệp khởi nghiệp tăng mạnh. 65% doanh nghiệp tư nhân có lãi, cao nhất trong 5 năm. Có 51 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành từ khá trở lên. Các điểm tích cực này thể hiện môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam đang hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp, Thủ tướng nhìn nhận.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017. |
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng nền kinh tế nước ta đang đối diện sức ép lớn, chủ yếu là từ vấn đề dài hạn, tồn tại nhiều năm nay, chưa được giải quyết và cộng với tình hình quốc tế hết sức phức tạp, nhất là chính sách bảo hộ thương mại, chính sách thuế biên giới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Cụ thể, có 2 sức ép, gồm sức ép về tăng trưởng và sức ép về tỉ giá. Tăng trưởng quý I đạt thấp, đặc biệt là công nghiệp, động lực chính của tăng trưởng. Vì vậy, Thủ tướng nhấn mạnh, phải có kịch bản tăng trưởng của từng ngành và sản phẩm, nhằm vào lĩnh vực có nhiều tiềm năng nhưng đạt thấp như công nghiệp khai khoáng, xây dựng, công nghiệp chế tạo… Các lĩnh vực khác như nông nghiệp, du lịch cần tiếp tục đẩy mạnh để đạt con số kỳ vọng tốt nhất.
GDP quý I chỉ đạt trên 5% nên nếu không có quyết tâm chỉ đạo, nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành, đặc biệt là các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các địa phương thì khó có thể đạt mức tăng trưởng 6,7% trong năm nay, Thủ tướng nêu rõ.
Sức ép thứ hai là tỉ giá cùng với đó là lãi suất, từ đó gây sức ép lên lạm phát trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất USD. Cùng với nhiều yếu tố khác trong nước và quốc tế, theo Thủ tướng, nếu không quản lý, điều hành tốt thì khó giữ lạm phát ở ngưỡng 4%. “Nếu chúng ta tăng trưởng mà lạm phát cao thì không có ý nghĩa”, Thủ tướng bày tỏ, và nếu không giữ được tăng trưởng và lạm phát thì ảnh hưởng lớn đến một loạt chỉ tiêu như tạo việc làm, thu nhập của người dân…
Tồn tại nữa mà Thủ tướng đề cập là một số vấn đề trong lĩnh vực xã hội như cháy nổ, tai nạn giao thông, nạn phá rừng, cát tặc…
Giải pháp nằm ở đâu? Thủ tướng cho rằng còn nhiều lãng phí trong xã hội, trong tiêu dùng, cho nên cần triệt để tiết kiệm trong đầu tư, trong sản xuất kinh doanh để giảm chi phí, hạ giá thành, tăng giá trị gia tăng và tăng GDP. Đây không chỉ là giải pháp trước mắt mà là giải pháp cơ bản và dài hạn, phản ánh khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
“Chúng ta nói có tiến bộ về môi trường đầu tư kinh doanh nhưng thực tế ở địa phương, ở xã, phường, cơ sở, còn một bộ phận cán bộ chưa làm tốt việc này, vì vậy chủ trương của chúng ta là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đặt yêu cầu trong đẩy mạnh cải cách thể chế”, Thủ tướng nêu rõ. Cải cách, đổi mới thể chế là gốc của sự phát triển.
Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương Văn phòng Chính phủ có một trang web riêng để nghe doanh nghiệp phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh, báo cáo với Thường trực Chính phủ để tháo gỡ kịp thời hơn. “Qua một năm triển khai Nghị quyết 35 đã có nhiều kết quả tốt đẹp. Thủ tướng Chính phủ quyết định sẽ mở hội nghị với doanh nghiệp lần thứ hai”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Yêu cầu đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng cho rằng, đây là nguồn lực lớn mà chưa được sử dụng thật sự hiệu quả nên cần tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực này thông qua cổ phần hóa, bán toàn bộ hoặc phần lớn vốn Nhà nước để thay đổi cách thức quản trị, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp, góp phần tăng GDP. “Nhanh nhưng không được thất thoát tài sản Nhà nước”, Thủ tướng yêu cầu về công tác cổ phần hóa.
Thủ tướng cũng cho rằng nguồn lực vật chất trong nhân dân còn rất lớn, làm sao huy động để phục vụ sản xuất kinh doanh. Nhấn mạnh yêu cầu tăng cường xử lý nợ xấu để giảm lãi suất cho vay, Thủ tướng nêu rõ nếu không giảm được lãi suất thì cũng không được tăng lãi suất. Bởi với tổng dư nợ hơn 5,5 triệu tỷ đồng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, nếu giảm được 1% lãi suất thì nền kinh tế tiết kiệm được 55.000 tỷ đồng chi phí tài chính.
Cùng với vấn đề ngắn hạn, cần dành nhiều thời gian hơn cho giải quyết vấn đề dài hạn như hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó, chú ý việc phát triển bất động sản đúng hướng.
Toàn cảnh phiên họp. |
Bên cạnh tốc độ tăng trưởng cũng cần nâng cao chất lượng tăng trưởng, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao mức sống nhân dân, trong đó, cần tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia. Thúc đẩy tiêu dùng nội địa để phục vụ 100 triệu dân. Cố gắng tăng trưởng bán lẻ đạt mức 2 con số.
Biện pháp tập trung là tăng cường chỉ đạo, quyết liệt, cụ thể, chống hiện tượng trì trệ hiện nay của một bộ phận cán bộ công chức, Thủ tướng yêu cầu. “Vì vậy, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải ra tay trực tiếp. Các Phó Thủ tướng phụ trách phải chỉ đạo giao ban, kiểm tra, xử lý cụ thể. Cùng với việc tháo gỡ thể chế, chúng ta phải chỉ đạo cụ thể những vấn đề vướng mắc hiện nay trong sản xuất kinh doanh, để tạo thuận lợi nhất cho phát triển”.
Nhân dịp này, Thủ tướng hoan nghênh Bộ Thông tin và Truyền thông đã có thông điệp mạnh mẽ với Google, Facebook, khẳng định chủ quyền, không để họ bỏ qua những yêu cầu của ta, làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, an toàn xã hội. Đồng thời, giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chủ động thông tin chính xác, kịp thời, tạo tâm lý tốt về mọi mặt trong kinh tế-xã hội, về chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của các cấp, các ngành, góp phần tạo đồng thuận, khuyến khích tinh thần doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phấn đấu thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ năm 2017, trước hết là quý II năm nay đạt kết quả tốt nhất.