📞

Huy động vốn rẻ, ngân hàng đua nhau miễn phí dịch vụ

H.Chung 10:57 | 20/08/2021
Các ngân hàng thương mại đã triển khai nhiều chương trình miễn, giảm phí cũng như ưu đãi chi tiêu cho chủ thẻ thanh toán.

Trước những tác động tiêu cực và kéo dài của đại dịch Covid-19, từ năm 2020 đến nay, các ngân hàng thương mại đã triển khai nhiều chương trình miễn, giảm phí cũng như ưu đãi chi tiêu cho chủ thẻ thanh toán. Điều này không chỉ hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp trong gian đoạn khó khăn mà còn mang lại lợi ích không nhỏ cho chính các ngân hàng.

Mới đây, đầu tháng 8/2021, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ áp dụng trên giao dịch ATM, POS xử lý qua Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và phí giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng 24/7 để hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Ngay sau chỉ đạo này, NAPAS đã công bố lần giảm phí thứ hai trong năm 2021 với mức giảm từ 50% đến 75% phí dịch vụ chuyển mạch và bù trừ so với mức phí hiện hành và nhận được sự hưởng ứng của hàng loạt ngân hàng thương mại.

Hoạt động giao dịch tại HDBank. (Nguồn: TTXVN)

Đơn cử như Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) công bố miễn 100% phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống không giới hạn, chuyển tiền nhanh tài khoản và số thẻ miễn phí dành cho tất cả khách hàng cá nhân đang sử dụng tài khoản tiền gửi thanh toán thông thường hoặc mở mới gói HDBank Sky One.

Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), khách hàng doanh nghiệp được miễn phí dịch vụ chi lương 3 năm, miễn phí quản lý tài khoản, ngân hàng điện tử, SMS báo giao dịch tự động, chuyển tiền, nộp thuế trực tuyến...

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 kéo dài, một số ngân hàng thương mại còn mở rộng dịch vụ được miễn phí để hỗ trợ thêm cho khách hàng. Theo đại diện Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam Á Bank), ngân hàng sẽ không thu phí chậm thanh toán thẻ tín dụng trong trường hợp chủ thẻ thanh toán thẻ trễ hạn trong 3 kỳ sao kê từ tháng 7 - 9/2021.

Điều này nhằm góp phần chia sẻ, hỗ trợ khách hàng đang gặp nhiều khó khăn về tài chính cũng như gặp nhiều sự cố bất ngờ không thể thanh toán thẻ đúng thời hạn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài.

Thực tế chính sách miễn phí dịch vụ còn được các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân như: Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)… triển khai sớm hơn, trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Đây được xem như cách để các ngân hàng giữ chân khách hàng, song cũng mang lại lợi ích không nhỏ cho chính các ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank), trào lưu miễn, giảm phí giao dịch ở các ngân hàng thương mại diễn ra từ năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát và được nhiều ngân hàng thương mại hưởng ứng.

Các ngân hàng kỳ vọng với việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và việc khách hàng gia tăng sử dụng các dịch vụ thanh toán sẽ giúp các ngân hàng bù đắp được khoản lợi nhuận đã hy sinh do việc giảm phí.

“Tại TP Bank, việc giảm miễn phí dịch vụ trung bình làm giảm lợi nhuận của ngân hàng lên tới vài trăm tỷ đồng mỗi năm. Đây là con số không nhỏ, nhưng mỗi ngân hàng phải tính lợi ích lâu dài. Việc miễn giảm phí dịch vụ ở thời điểm này là rất cần thiết để ngân hàng đồng hành hỗ trợ người dân, doanh nghiệp”, ông Hưng cho biết.

Mặt khác, trong bối cảnh hoạt động số hóa đang diễn ra mạnh mẽ trong ngành ngân hàng, chi phí giao dịch của các ngân hàng đã giảm đi rất nhiều. Chẳng hạn một giao dịch tại quầy, chi phí có thể lên tới vài chục nghìn đồng, nhưng giao dịch trực tuyến thì chỉ mất vài trăm đồng, không đáng kể và có thể miễn phí cho khách hàng mà không bị ảnh hưởng nhiều.

Dĩ nhiên để làm được điều này, ngân hàng phải đầu tư công nghệ số hiện đại với chi phí không nhỏ.

“Việc miễn phí dịch vụ không chỉ giúp khách hàng trung thành hơn với ngân hàng mà còn thu hút thêm khách hàng mới. Thêm nữa khi có tệp khách hàng lớn, ngân hàng sẽ có rất nhiều cơ hội gia tăng lợi nhuận từ các khu vực khác, chứ không nhất thiết phải chú trọng vào phí thanh toán”, lãnh đạo một ngân hàng thương mại chia sẻ.

Theo các chuyên gia tài chính, chính sách miễn, giảm phí của các ngân hàng thương mại còn giúp các ngân hàng huy động thêm nguồn vốn giá rẻ từ tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Thói quen mua sắm, thanh toán trực tuyến đang dần thay thế phương thức truyền thống khiến lượng tiền trong tài khoản của người dân theo đó cũng tăng lên.

Trong khi đó, CASA vốn được xem là "vũ khí" lợi hại giúp các ngân hàng huy động nguồn vốn giá rẻ, với lãi suất rất thấp chỉ khoảng 0,2 - 0,5%/năm. Các ngân hàng có thể dùng số tiền đó để cho vay, từ đó góp phần gia tăng biên độ lợi nhuận (NIM).

Trong một báo cáo triển vọng của ngành ngân hàng mới được phát hành, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, trong nửa cuối năm 2021, tỷ lệ thâm nhập bán lẻ của các ngân hàng sẽ được hỗ trợ bởi xu hướng thanh toán không tiền mặt và chuyển đổi số. Điều này sẽ khiến cuộc đua CASA cạnh tranh hơn về phí và cải thiện CASA với tốc độ khác nhau giữa các ngân hàng.

“Trước đây, CASA bán lẻ chưa được quan tâm nhiều vì tỷ trọng đóng góp thấp, ngân hàng số chưa phát triển và hành vi người tiêu dùng thay đổi chậm, trong khi các ngân hàng lớn hàng đầu có các lợi thế về mối quan hệ với các tập đoàn đã tạo ra khác biệt với tiền gửi thanh toán của doanh nghiệp cao.

Trong tương lai, chúng tôi kỳ vọng các ngân hàng cung cấp các sản phẩm ngoài cho vay chất lượng hơn, được dẫn dắt bởi các yếu tố tiện lợi, khả năng tiếp cận và tốc độ xử lý sẽ có lợi thế về mạng lưới CASA bán lẻ”, báo cáo của VDSC nêu rõ.

(theo TTXVN)