Kinh tế Mỹ đang hoạt động tốt, ít nhất là trong một số chỉ số chính. (Nguồn: cato.org) |
Báo cáo của chính phủ Mỹ công bố vào tháng trước cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong hơn 50 năm.
Cụ thể, tháng 1/2023, Mỹ có thêm 517 nghìn việc làm mới, cao hơn mức trung bình mỗi tháng của năm ngoái là 401 nghìn việc làm. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp là 3,4%, mức thấp nhất kể trong 53 năm qua.
Tiếp đó, vào giữa tháng 2/2023, dữ liệu doanh số bán lẻ mới đã vượt qua kỳ vọng của các nhà kinh tế. Điều này cho thấy, chi tiêu tiêu dùng - huyết mạch của nền kinh tế lớn nhất thế giới - ổn định.
Những tin vui trên đang thúc đẩy hy vọng rằng, nền kinh tế Mỹ sẽ tránh được suy thoái hoàn toàn.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định, nền kinh tế vẫn "mạnh mẽ và kiên cường". Mỹ sẽ không có suy thoái kinh tế trong bối cảnh tình trạng lạm phát giảm đáng kể và nền kinh tế vẫn vững chắc, nhờ sức mạnh của thị trường lao động.
Tin liên quan |
Cách một quốc gia châu Âu 'đánh bại' lạm phát ngoạn mục |
Bà Yellen nói: "Chúng ta sẽ không gặp tình trạng suy thoái kinh tế khi có 500 nghìn việc làm và tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong hơn 50 năm qua. Những gì tôi đang chứng kiến là một hướng đi vững vàng với tỷ lệ lạm phát đang sụt giảm đáng kể và nền kinh tế vẫn vững mạnh”.
ABC News nhận định, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang hoạt động tốt, ít nhất là trong một số chỉ số chính. Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế đều nói rằng, quốc gia này vẫn đang trên đà tiến tới một cuộc suy thoái trong năm tới.
Một loạt các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tiếp tục "hạ nhiệt" nền kinh tế.
Nhà kinh tế trưởng Jeffrey Roach tại LPL Financial cho rằng, dữ liệu kinh tế mạnh mẽ và suy thoái kinh tế dai dẳng cùng tồn tại ở Mỹ là một "câu hỏi hóc búa".
Ông nói: "Có quá nhiều biến động trên thị trường. Nền kinh tế vẫn đang trong quá trình 'trang bị lại quy mô' sau đại dịch Covid-19".
Giá cả hàng hóa tăng cao gây áp lực lên nền kinh tế, bắt nguồn từ việc tắc nghẽn nguồn cung do đại dịch gây ra khiến việc tiếp cận hàng loạt hàng hóa trở nên khó khăn hơn, bao gồm cả những mặt hàng thiết yếu như gas và thực phẩm.
Trong khi đó, Covid-19 buộc hàng tỷ người trên toàn thế giới phải ở trong nhà, khiến nhu cầu với các mặt hàng thiết yếu tăng vọt. Thêm nữa, chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt hàng hóa và khiến giá cả bị đẩy lên cao hơn.
Cục Dự trữ Liên bang đã áp đặt một loạt các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ kể từ năm ngoái nhằm mục đích giảm lạm phát bằng cách hạ nhiệt nền kinh tế và bóp nghẹt nhu cầu. Tuy nhiên, cách tiếp cận này có nguy cơ đẩy Mỹ vào suy thoái và khiến hàng triệu người mất việc làm.
Tính đến thời điểm hiện tại, các đợt tăng lãi suất "chưa từng có tiền lên" của Fed đã giúp lạm phát dần hạ nhiệt.
Sự kết hợp giữa lạm phát giảm và tăng trưởng kinh tế bền vững đã mang lại hy vọng, nền kinh tế sẽ "hạ cánh mềm".
Tuy nhiên, nhà kinh tế Nancy Lazar tại Piper Sandler nhận định, chỉ vì nền kinh tế đang hoạt động tốt ngày nay không có nghĩa là nền kinh tế sẽ không rơi vào suy thoái".
Cụ thể, một số bộ phận của nền kinh tế đã có dấu hiệu chậm lại. Theo Hiệp hội môi giới quốc gia Mỹ, trong tháng 1/2023, doanh số bán nhà đã giảm tháng thứ 12 liên tiếp, đạt mức thấp nhất kể từ tháng 11/2010.
Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại vào tháng 12/2022. Điều này cho thấy, người tiêu dùng đã chi tiêu phần lớn khoản dự trữ trong thời kỳ đại dịch.
Nhà kinh tế Roach dự đoán, một cuộc suy thoái sẽ "cập bến" nước Mỹ nhưng các chỉ số kinh tế mạnh mẽ gần đây sẽ giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới đối mặt với suy thoái nhẹ.
Ông Roach khẳng định: "Suy thoái thường là điều cần thiết để phá vỡ lạm phát. Với thực tế là nền kinh tế đang hoạt động ổn định, cuộc suy thoái đó sẽ nhẹ hơn những gì bạn nghĩ".
| 2023 là hy vọng hay ‘ác mộng’ của kinh tế Mỹ Mọi người đều đang cố gắng tìm hiểu xem điều gì đang xảy ra với đầu tàu kinh tế thế giới - đặc biệt là ... |
| Chuyên gia: Kinh tế Mỹ không rơi xuống vực thẳm nhưng suy thoái kéo dài vẫn 'ghé thăm' Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tại Mỹ tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý IV/2022 nhưng điều đó có thể phóng đại "sức ... |
| IMF: Kinh tế thế giới chuyển biến tích cực hơn nhưng 'không có nghĩa là tốt' Ngày 31/1, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới mới nhất. |
| Kinh tế Mỹ đang tỏ ra 'mạnh mẽ và vững chãi' nhưng vẫn có nguy cơ đối mặt 'thảm họa tài chính' Ngày 6/2, phát biểu trên kênh truyền hình ABC, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhận định, sẽ không có suy thoái kinh tế ... |
| Thông điệp liên bang Mỹ: Đoàn kết có thành công? Bản Thông điệp liên bang thứ hai của Tổng thống Joe Biden cho thấy nỗ lực của Washington trong hàn gắn, xây dựng lại nước ... |