Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhờ vào sự hồi phục của nhu cầu tiêu dùng nội địa, sản lượng nông nghiệp hồi phục sau khi có sự sụt giảm mạnh trong năm 2016, và tăng trưởng ở lĩnh vực công nghiệp, được hỗ trợ lớn bởi nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Bên cạnh đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế cũng đánh giá chính sách tài khóa của Việt Nam, cũng tương tự như Ấn Độ, mặc dù vẫn mang tính hỗ trợ, tuy nhiên mức độ tác động đến kinh tế sẽ ít đi.
IMF đánh giá, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhờ vào sự hồi phục của nhu cầu tiêu dùng nội địa. (Nguồn: Bloomberg) |
Ngược lại, chính sách tài khóa hỗ trợ kích thích kinh tế của các nước khác trong khu vực như Philippines, Indonesia và Thái Lan… sẽ theo chiều hướng mạnh lên.
Cũng theo theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nhóm ASEAN 5, gồm: Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam tiếp tục dự kiến duy trì ở mức cao, bình quân vượt mức 5%/năm, trong vòng 5 năm tới (2017-2022). Tăng trưởng ở khu vực các nước Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và HongKong… dự kiến chậm lại, bình quân ở mức 3%/năm.
Mức tăng trưởng cao ở các nước trong nhóm ASEAN 5 đến từ các yếu tố thuận lợi như cơ cấu dân số tốt, chi phí lao động ở mức thấp và tăng trưởng khả quan ở tiêu dùng nội địa…
Trong khi đó, đối với các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… có tăng trưởng chậm lại do các quốc gia này đang ở giai đoạn phát triển cao hơn, cùng với đó là dân số trong độ tuổi lao động giảm, sự già hóa dân số khiến gánh nặng trợ cấp xã hội gia tăng theo từng năm.