Châu Âu đứng trước nguy cơ 'suy thoái sâu hơn' do xung đột và lạm phát. (Nguồn: Reuters) |
Báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực của IMF về châu Âu được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia tại đây đang vật lộn với lạm phát leo thang và cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng đã làm giảm sức mua của các hộ gia đình, trong khi chi phí sản xuất tăng cao.
Quỹ này đánh giá, những gói hỗ trợ mới mà các chính phủ đưa ra chỉ "bù đắp phần nào" những căng thẳng này.
Tình hình xung đột tại Ukraine kéo dài suốt 8 tháng qua đã khiến lạm phát cũng như giá năng lượng cùng tăng vọt, buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải tăng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế trước nguy cơ suy thoái.
Báo cáo của IMF đánh giá rằng: "Triển vọng kinh tế của châu Âu trở nên u ám hơn rất nhiều, khi tốc độ tăng trưởng ngày một chậm lại và lạm phát tiếp tục tăng".
Theo dự báo của quỹ này, Đức và Italy sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới, qua đó trở thành những nền kinh tế phát triển đầu tiên tăng trưởng âm do ảnh hưởng từ cuộc xung đột tại Ukraine.
IMF nhấn mạnh: "Trong khi châu Âu đã nỗ lực thoát khỏi đại dịch Covid-19 từ cuối năm ngoái, nhưng căng thẳng tại Ukraine đã thay đổi hoàn toàn bức tranh này".
Tăng trưởng ở các nền kinh tế tiên tiến của châu Âu sẽ chậm lại rõ rệt xuống mức 0,6% vào năm 2023. Trong khi đó, ở các nền kinh tế mới nổi trong khu vực, không bao gồm các nước liên quan xung đột và Thổ Nhĩ Kỳ, tăng trưởng cũng sẽ chậm lại ở mức 1,7%, trong khi thiệt hại ở các nước xung đột sẽ rất lớn.
Theo quỹ này: "Nguy cơ lớn nhất trước mắt là sự gián đoạn nguồn cung năng lượng trong mùa Đông lạnh giá có thể dẫn đến tình trạng thiếu khí đốt, thiếu lương thực và gây ra những tổn thương kinh tế sâu sắc hơn”.
IMF dự báo, tình trạng lạm phát sẽ còn kéo dài và căng thẳng xã hội có thể trở nên tồi tệ hơn do chi phí sinh hoạt gia tăng. Theo đó, trong tình hình hiện tại, các ngân hàng trung ương nên tiếp tục tăng lãi suất chính sách, đặc biệt là tại các nền kinh tế tiên tiến.
Các nhà hoạch định chính sách cần phải "đi đúng hướng" để vừa thành công trong nỗ lực chống lạm phát, đồng thời hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng.