📞

IMF: Kinh tế thế giới chuyển biến tích cực hơn nhưng 'không có nghĩa là tốt'

Việt An 10:27 | 31/01/2023
Ngày 31/1, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới mới nhất.
IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023. (Nguồn: Getty Images)

Theo đó, IMF nâng nhẹ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 do nhu cầu phục hồi đầy bất ngờ ở Mỹ và châu Âu, chi phí năng lượng giảm và nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại sau khi Bắc Kinh từ bỏ các hạn chế nghiêm ngặt về đại dịch Covid-19.

Quỹ này cho rằng, tăng trưởng toàn cầu sẽ vẫn giảm từ 3,4% của năm 2022 xuống 2,9% trong năm 2023, nhưng tăng so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2022 là 2,7% cùng những cảnh báo rằng thế giới nhiều khả năng sẽ rơi vào suy thoái.

IMF cũng dự báo, tăng trưởng toàn cầu năm 2024 sẽ tăng nhẹ lên 3,1%, nhưng con số này thấp hơn 0,1% so với dự báo hồi tháng 10/2022 do tác động toàn diện của các biện pháp tiếp tục tăng lãi suất sẽ làm giảm nhu cầu.

Ngoài ra, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ tăng 1,4%, cao hơn mức dự báo 1% vào tháng 10/2022.

Tương tự, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng được nâng dự báo tăng trưởng từ 0,5% lên 0,7%. Hai nền kinh tế lớn của châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt được dự báo tăng 5,2% và 6,1%.

Giám đốc bộ phận nghiên cứu của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho biết, tăng trưởng sẽ yếu so với các tiêu chuẩn lịch sử, khi cuộc chiến chống lạm phát và xung đột ở Ukraine đè nặng lên các hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, vẫn có những chuyển biến tích cực hơn đối với nền kinh tế thế giới do các yếu tố trong nước tốt hơn mong đợi ở một số quốc gia, chẳng hạn như Mỹ.

Ông Pierre-Olivier Gourinchas nói: "Tăng trưởng kinh tế Mỹ đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên trong quý III năm ngoái, với thị trường lao động, tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư kinh doanh mạnh mẽ, bên cạnh khả năng thích ứng tốt hơn mong đợi đối với cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu".

Tuy nhiên, bức tranh không hoàn toàn tích cực.

Vào đầu tháng này, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva đã cảnh báo, nền kinh tế không tệ như một số người lo ngại, “nhưng ít tệ hơn không có nghĩa là tốt”.

Theo quỹ trên, một số yếu tố có thể làm xấu đi triển vọng trong những tháng tới bao gồm việc mở cửa trở lại của Trung Quốc có thể bị đình trệ, lạm phát có thể vẫn ở mức cao, xung đột Nga-Ukraine có khả năng làm tăng chi phí năng lượng và thị trường có nguy cơ trở nên tồi tệ với các dữ liệu lạm phát xấu hơn dự kiến.

(theo Reuters)