📞

IMF: Mở đường để châu Á-Thái Bình Dương phục hồi mạnh mẽ

Chu Văn 09:29 | 26/02/2023
Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương đều sẵn sàng cho mức tăng trưởng 5,3% trong năm 2023. Bước tiến mới được cho là đến từ sự bùng nổ của lĩnh vực sản xuất và dịch vụ sau đại dịch.
Theo báo cáo của IMF hồi tháng 10/2022, các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, dự báo ghi nhận tăng trưởng 5,3% trong năm 2022 so với mức tăng 3,4% năm 2021. (Nguồn: theamericanawakening)

Riêng Trung Quốc và Ấn Độ được mong đợi sẽ đóng góp hơn một nửa tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, phần còn lại của châu Á đóng góp thêm một phần tư, trong đó các thị trường như Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đều đang quay trở lại đà tăng trưởng mạnh mẽ trước đại dịch.

Theo báo cáo của IMF hồi tháng 10/2022, các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, dự báo ghi nhận tăng trưởng 5,3% trong năm 2022 so với mức tăng 3,4% năm 2021. Mức tăng này dự báo sẽ giảm xuống 4,9% vào năm 2023 do nhu cầu giảm từ các đối tác thương mại chủ chốt như Trung Quốc, khu vực Eurozone và Mỹ.

Tuy nhiên, thông tin thay đổi quan trọng nhất sau đó là việc Trung Quốc bất ngờ mở cửa trở lại, với tốc độ tăng trưởng nhanh hơn dự kiến. Nền kinh tế lớn nhất châu Á có mối liên kết thương mại và du lịch mạnh mẽ, chiếm tới một nửa thương mại khu vực, do vậy đây là một tín hiệu tích cực đối với khu vực.

Lạm phát của khu vực châu Á đã tăng ở mức đáng lo ngại so với mục tiêu đề ra của ngân hàng trung ương vào năm ngoái. Hiện đã có những dấu hiệu đáng khích lệ rằng lạm phát toàn phần đã đạt đỉnh trong thời kỳ nửa cuối năm ngoái, mặc dù lạm phát về cơ bản vẫn còn dai dẳng và chưa dễ được kiểm soát. Nhưng ngân hàng trung ương các nước vẫn đang nỗ lực đưa lạm phát quay trở lại mục tiêu vào thời điểm thích hợp khi những áp lực về tài chính và hàng hóa giảm bớt.

Trong khi lạm phát đang đi đúng hướng, các ngân hàng trung ương cần có những bước đi thận trọng để đưa lạm phát quay về mức mục tiêu. Sự trở lại năng động của nền kinh tế Trung Quốc có thể gây áp lực lên giá cả hàng hóa và dịch vụ toàn cầu, đặc biệt là đối với các quốc gia trong giai đoạn phục hồi du lịch sau đại dịch.

Theo đánh giá trước đó của IMF, các nền kinh tế ASEAN sẽ chứng kiến tăng trưởng chịu tác động của giá lương thực và năng lượng cao hơn - yếu tố làm giảm sức mua của các hộ gia đình. Bởi vậy, dù triển vọng ngắn hạn đã sáng sủa hơn nhưng vẫn còn những thách thức quan trọng trong dài hạn về vấn đề nợ và những rủi ro tài chính. Một thay đổi quan trọng khác trong đánh giá của các chuyên gia IMF là việc triển vọng kinh tế của Trung Quốc bị hạ bậc ở mức trung bình.

(theo IMF)