Trụ sở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ở Washington D.C, Mỹ. (Nguồn: IMF) |
Ngày 27/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận xét các biện pháp chính sách chưa có tiền lệ mà Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thực hiện, cùng việc triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 đang tạo cơ sở cho đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, các biến thể virus mới, lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng cũng gây ra những rủi ro theo hướng suy giảm đối với kinh tế thế giới.
Trong một bài đăng trên blog chính thức trước thềm cuộc họp ngày 29/10 (giờ địa phương) giữa các Bộ trưởng Tài chính và Y tế G20, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva kêu gọi các nước cần đưa ra những hành động mạnh mẽ ngay bây giờ để chấm dứt đại dịch và tạo không gian cho một nền kinh tế bền vững hơn.
Bà Georgieva cho biết, các nền kinh tế G20 có thể nâng triển vọng của mình cho tới hết năm 2022 bằng cách điều chỉnh cẩn trọng các chính sách tài chính và tiền tệ của mỗi nước.
Theo IMF, các nước có thể triển khai những cải cách để nâng cao tăng trưởng, bao gồm các chương trình hỗ trợ tìm kiếm việc làm và đào tạo lại kỹ năng cho người lao động, giảm bớt các rào cản quy định đối với việc gia nhập thị trường cho các doanh nghiệp mới.
Những chính sách này có thể giúp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế ở các nước G20 tăng thêm khoảng 4.900 tỷ USD cho đến năm 2026.
Để giúp các nước đang phát triển đối phó với các vấn đề tài chính, IMF đã hối thúc các quốc gia G20 nên đẩy nhanh việc thực hiện Khuôn khổ chung về vấn đề xử lý nợ, để các nước dễ bị tổn thương không bị buộc phải lựa chọn giữa việc trả tiền cho chủ nợ và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Bà Georgiega cho hay, các nước G20 cũng nên sớm hành động để chuyển một phần Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) mới được phân bổ của họ cho Quỹ Tín thác Tăng trưởng và Giảm nghèo, hoặc Quỹ tín thác về Phục hồi kinh tế và phát triển bền vững mới của IMF
Bà cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 cam kết thực hiện một gói chính sách toàn diện để đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này. Tổng Giám đốc IMF trích dẫn một nghiên cứu mới của tổ chức cho thấy, một kế hoạch đầu tư toàn diện tập trung vào các “chính sách nguồn cung xanh" có thể nâng GDP toàn cầu thêm khoảng 2% trong thập kỷ này và tạo ra 30 triệu việc làm mới.
Trong bài đăng, Tổng Giám đốc IMF hy vọng về một sàn định giá carbon quốc tế. Đồng thời, bà nhắc các nước giàu nên thực hiện lời hứa lâu nay của họ là cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm cho các dự án đầu tư xanh ở các nền kinh tế đang phát triển.
| Việt Nam cần tận dụng trạng thái ‘bình thường mới’ để thúc đẩy phục hồi bền vững kinh tế - xã hội Ngày 27/10, Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh và Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk đã đồng chủ trì ... |
| Lối đi nào cho nền kinh tế phục hồi hậu Covid-19? Dưới tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, “sức khỏe” của nền kinh tế Việt Nam đã sụt giảm đáng kể. Vậy ... |