📞

IMF: Saudi Arabia sẽ là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong năm nay

10:45 | 18/08/2022
Ngày 17/8, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, kinh tế Saudi Arabia sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong một thập kỷ và có thể sẽ là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong năm nay.
Kinh tế Saudi Arabia hưởng lợi từ dầu mỏ. Hình ảnh một cơ sở lọc dầu của công ty dầu mỏ và khí đốt Saudi Aramco (Saudi Arabia). (Nguồn: AFP)

Theo IMF, các cải cách có lợi cho doanh nghiệp mà Saudi Arabia thực hiện cùng với sự gia tăng mạnh mẽ của giá dầu và sản lượng dầu thô đã thúc đẩy sự phục hồi của quốc gia vùng Vịnh này sau cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra vào năm 2020.

Quỹ này nhận định: "Sản lượng dầu mỏ được duy trì ổn định, giá dầu cao hơn dự báo trước đây và việc thực hiện cải cách mạnh mẽ sẽ hỗ trợ tăng trưởng phi dầu mỏ trong trung hạn của Saudi Arabia".

Trong báo cáo cập nhật Triển vọng Kinh tế thế giới vào tháng trước, IMF cũng cho rằng, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Saudi Arabia sẽ tăng 7,6% trong năm nay, sau khi tăng 3,2% vào năm 2021.

Tăng trưởng phi dầu mỏ của nước này sẽ ở mức 4,2% vào năm 2022, trước khi trở lại tiềm năng trung hạn là 4%.

Kinh tế Saudi Arabia đã tăng trưởng 11,8% trong quý II/2022, nhờ các hoạt động kinh tế liên quan đến dầu mỏ tăng 23,1% hàng năm. Lĩnh vực kinh tế phi dầu mỏ đã tăng 5,4% trong giai đoạn này, theo dữ liệu của chính phủ Saudi Arabia công bố trong tháng 7.

Giá dầu vẫn biến động trong năm nay trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn. Giá dầu Brent, sau khi tăng 67% vào năm ngoái, gần đây giảm mạnh trong bối cảnh lo ngại về triển vọng tiêu thụ toàn cầu. Tuy nhiên, giá vẫn cao hơn khoảng 20% so với đầu năm nay.

Theo IMF, mặc dù giá hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh, lạm phát ở Saudi Arabia sẽ vẫn ở mức 2,8% trong năm 2022 do ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách phù hợp với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Tổng cục Thống kê Saudi Arabia cho biết, giá tiêu dùng đã tăng 2,7% trong tháng 7, cao hơn tỷ lệ lạm phát 2,3% được ghi nhận vào tháng 6.

Lạm phát trên toàn cầu đã tăng mạnh do giá lương thực và các mặt hàng khác leo thang trong bối cảnh xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, tỷ lệ này trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) thấp hơn đáng kể so với hầu hết các nước thị trường tiên tiến và mới nổi trong bối cảnh hoạt động kinh tế được cải thiện.

IMF nhận định thêm tài chính công của Saudi Arabia và vị thế đối ngoại của đất nước sẽ được tăng cường “đáng kể”, cùng với tài sản nước ngoài ròng gia tăng nhờ doanh thu phi dầu mỏ tăng lên và số tiền thu được từ xuất khẩu dầu cao hơn.

Quản lý nguồn thu từ dầu mỏ một cách bền vững, để chi tiêu công không tăng và giảm theo giá dầu, sẽ thúc đẩy tính bền vững về tài khóa.

(theo TTXVN)