Mặc khói lửa ngợp trời ở Trung Đông. (Nguồn: AFP) |
Cụ thể, phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ ngày 3/10, người phát ngôn của IMF Julie Kozack, nhấn mạnh: “Nguy cơ xung đột tiếp tục leo thang làm gia tăng rủi ro và bất ổn. Điều này có khả năng gây ra những tác động kinh tế lớn cho khu vực và xa hơn nữa”.
Theo bà Kozack, tác động của xung đột đến kinh tế toàn cầu chủ yếu thể hiện ở việc giá hàng hóa tăng, trong đó có các mặt hàng dầu và ngũ cốc, cùng với chi phí vận chuyển tăng cao khi các tàu phải chuyển hướng để tránh nguy cơ bị lực lượng Houthi tại Yemen tấn công ở Biển Đỏ.
Dù hiện vẫn còn quá sớm để dự đoán những tác động cụ thể đối với kinh tế thế giới, bà lưu ý, các nền kinh tế trong khu vực đã chịu tổn thất nặng nề, đặc biệt là ở Gaza. Người dân nơi đây đang phải vật lộn với điều kiện kinh tế xã hội vô cùng khó khăn, khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng và thiếu hụt viện trợ.
Theo ước tính của IMF, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Bờ Tây khả năng giảm 25% trong nửa đầu năm 2024 và nguy cơ suy thoái tiếp tục gia tăng.
GDP của Israel đã giảm khoảng 20% trong quý IV/2023 sau khi xung đột bùng phát và chỉ mới phục hồi một phần nhỏ trong nửa đầu năm nay.
Bà Kozack thông tin IMF đang theo dõi sát sao tình hình tại miền Nam Lebanon. Tại Lebanon, xung đột leo thang gần đây đã làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế và xã hội vốn đã mong manh. Xung đột gây thương vong nghiêm trọng và làm hư hại cơ sở hạ tầng vật chất của nước này.
Năm 2022, Lebanon đã đạt được thỏa thuận cấp chuyên viên với IMF về một chương trình vay tiềm năng, song bà Kozack cho rằng tiến độ về các cải cách cần thiết của nước vẫn chưa đủ để tiến xa hơn.
Hiện ngân hàng đang hỗ trợ Lebanon thông qua các chương trình phát triển năng lực và những lĩnh vực tiềm năng khác.