Giá nhiều mặt hàng lương thực tại Indonesia đã tăng vọt do ảnh hưởng của Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine. (Nguồn: Market Screener) |
Tổng thống Jokowi đã nhấn mạnh vấn đề này trong cuộc họp nội các ngày 20/6 và nhắc lại tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Đức vài ngày sau đó.
Theo ông, đây phải là mối quan tâm không chỉ đối với Indonesia mà còn cả thế giới. Giá lương thực và năng lượng tăng đã khiến 60 quốc gia đang phải đối mặt với sự suy sụp kinh tế.
Tại Indonesia, giá các mặt hàng cơ bản như trứng, ớt, dầu ăn, thịt bò, đường và đậu nành đã tăng mạnh từ năm ngoái. Năm nay, giá dầu cọ đã tăng vọt. Thêm vào đó, dịch lở mồm long móng đã lây nhiễm cho hơn 300.000 con gia súc.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Syahrul Yasin Limpo, lũ lụt và mùa khô kéo dài do biến đổi khí hậu đã tác động đáng kể đến lịch gieo trồng và thu hoạch. Hoạt động sản xuất nông nghiệp bị gián đoạn đang đe dọa đến an ninh lương thực của Indonesia.
Lương thực sẵn có và khả năng chi trả là nền tảng cho sự ổn định chính trị ở Indonesia. Hai cựu Tổng thống Soekarno và Soeharto đã đánh mất quyền lực trong bối cảnh bất ổn chính trị do giá lương thực tăng cao, và ông Jokowi hoàn toàn nhận thức được tầm quan trọng của việc duy trì ổn định giá lương thực và năng lượng.
Tin liên quan |
Sứ mệnh của Indonesia trong khủng hoảng lương thực toàn cầu |
Việc triển khai Chương trình phục hồi kinh tế quốc gia vào năm 2020 nhằm mục đích giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19. Chương trình này đã thành công khi duy trì được sức mua của các hộ gia đình có thu nhập trung bình thấp, cũng như ngăn chặn sự sụt giảm lòng tin của công chúng vào chính quyền của Tổng thống Jokowi.
Tuy nhiên, xung đột Nga-Ukraine sẽ làm trì hoãn tiến độ phục hồi kinh tế của Indonesia cũng như tiến độ của các chương trình quan trọng.
Với sự hỗn loạn địa chính trị đẩy giá khí đốt tự nhiên tăng tới 71% và giá dầu thô đạt đỉnh 120 USD/thùng vào tháng Sáu, phân bổ ngân sách của Indonesia cho trợ cấp năng lượng sẽ đạt 502.400 tỷ Rupiah (33,5 tỷ USD) vào năm 2022, tăng 365% so với năm ngoái.
Áp lực lên ngân sách nhà nước là rất lớn, buộc chính phủ phải tăng 39% giá xăng nhãn hiệu Pertamax (Ron 92), trong khi vẫn duy trì trợ cấp đối với xăng Pertalite (Ron 90).
Do các doanh nghiệp và hộ gia đình có thu nhập trung bình trở lên không thể tiếp cận xăng Pertalite, việc loại bỏ trợ cấp đối với xăng Pertamax sẽ vẫn ảnh hưởng đáng kể đến chi phí sản xuất và hậu cần, gây thêm áp lực lên giá cả các loại hàng hóa và dịch vụ cơ bản.
Bên cạnh đó, giá năng lượng cao hơn sẽ ảnh hưởng đáng kể đến giá phân bón, đặc biệt là urê, bởi một trong những nguyên liệu cơ bản cần thiết để sản xuất loại phân bón này là khí đốt tự nhiên. Giá urê đã tăng tới 236% trong năm nay.
Giá phân bón tăng mạnh phần lớn là do các hạn chế xuất khẩu do Trung Quốc - một trong những nhà sản xuất phốt pho và kali lớn nhất thế giới - áp đặt. Ngoài ra, các lệnh trừng phạt đối với Nga và Belarus cũng làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng hàng hóa năng lượng.
Giá năng lượng biến động cũng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của ngành hóa dầu, cũng như đến cung cầu phân bón, làm tăng chi phí sản xuất nông nghiệp và làm tăng khả năng xảy ra cú sốc giá cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng.
Chính phủ Indonesia đã phân bổ 25.000 tỷ Rupiah từ đầu năm 2022 để trợ cấp cho các hộ nông dân nhỏ nhằm giúp phân bón có giá cả phải chăng. Tuy nhiên, giá phân bón tăng sẽ làm giảm đáng kể hiệu quả của chương trình này.
Indonesia có thể thoát khỏi tác động hoàn toàn của cuộc khủng hoảng này trong năm nay do thặng dư thương mại ổn định, chủ yếu nhờ sự tăng giá đối với các mặt hàng xuất khẩu chính như than đá, nickel và dầu cọ.
Tuy nhiên, về lâu dài, giá lương thực và năng lượng tăng sẽ tạo ra các vấn đề kinh tế-xã hội ở cả cấp độ quốc gia lẫn toàn cầu. Đối với Indonesia, Tổng thống Jokowi sẽ phải tìm nguồn thu để đảm bảo rằng các khoản trợ cấp lương thực và năng lượng đủ để xử lý tình trạng giá cả tăng cao, hoặc chấp nhận đối mặt với tình hình bất ổn chính trị.
Trên toàn cầu, nhiều quốc gia có thể hạn chế xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung trong nước. Những động thái này cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều đó có nghĩa là giá thực phẩm và năng lượng tăng không chỉ là mối quan tâm của riêng Indonesia mà còn của cả thế giới.
| Indonesia, Malaysia đối phó thế nào với lạm phát? Ngay sau khi thấy "chồi xanh" đầu tiên của sự phục hồi hậu đại dịch Covid-19, các nền kinh tế Đông Nam Á lại bị ... |
| Indonesia: GDP phục hồi vững chắc, rủi ro tiềm ẩn có đáng lo? Indonesia đang bước những bước vững chắc trên con đường phục hồi kinh tế hậu Covid-19, nhưng trước mắt vẫn còn nhiều chướng ngại vật ... |