Các nhà phân tích kỳ vọng nền kinh tế Indonesia sẽ tăng trưởng 5,7% vào năm 2022 và 2023. (Nguồn: kayak.com) |
Trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, Tổng thống Joko Widodo tiếp tục thực hiện các cải cách kinh tế, chẳng hạn như cải thiện cơ sở hạ tầng để hỗ trợ khu vực sản xuất và nền kinh tế kỹ thuật số, cải cách thị trường lao động và các quy định đầu tư nước ngoài.
Vào tháng 6 và tháng 7/2021, số ca mắc Covid-19 tại nước này tăng mạnh, ở mức 55.000 trường hợp mỗi ngày. Các biện pháp phong tỏa nhằm hạn chế dịch lây lan được áp dụng ở Java, Bali và các khu vực khác của đất nước.
Cuối năm 2021, các biện pháp phong tỏa đã được dỡ bỏ và đầu năm 2022, đại dịch về cơ bản được kiềm chế. Việc triển khai tiêm vaccine Covid-19 được tiến hành rộng rãi, với khoảng 62% dân số được tiêm chủng đầy đủ tính đến cuối tháng 6/2022.
Tuy nhiên, việc triển khai các liều tăng cường có lẽ sẽ kéo dài hơn. Dự kiến, khoảng 60% dân số được tiêm mũi nhắc lại vào cuối năm 2023.
Kinh tế từng bước phục hồi
Năm 2020, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia giảm 2,1%, mức giảm khá nhỏ so với nhiều quốc gia khác. Điều này một phần do nền kinh tế Indonesia khá khép kín khi xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 20% GDP nên ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái thương mại toàn cầu hơn so với một số nước Đông Nam Á khác.
Nền kinh tế Indonesia phục hồi 3,7% vào năm 2021, chủ yếu được duy trì nhờ xuất khẩu tăng 24%.
Trong quý I/2022, GDP của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, nhờ vào sự gia tăng mạnh mẽ của tiêu dùng hộ gia đình, đầu tư và xuất khẩu.
Chi tiêu hộ gia đình được hưởng lợi từ việc dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến đại dịch và tăng cường tiêm chủng. Xuất khẩu tăng nhờ nhu cầu ổn định và giá hàng hóa toàn cầu tăng cao, chẳng hạn như than đá, dầu cọ và niken.
Các nhà phân tích kỳ vọng nền kinh tế Indonesia sẽ tăng trưởng 5,7% vào năm 2022 và 2023. Năm nay, dự báo tiêu dùng và đầu tư tư nhân sẽ tăng lần lượt 6% và 7,5%.
Cả hai lĩnh vực này đều là động lực tăng trưởng chính của đất nước trong những năm trước đại dịch. Sản xuất công nghiệp tăng hơn 6% và xuất khẩu tiếp tục tăng 4,5%.
Rủi ro lạm phát
Áp lực lạm phát gia tăng kể từ đầu năm 2022. Xung đột ở Ukraine, giá hàng hóa thực phẩm và nhiên liệu cao trên toàn cầu có thể khiến giá tiêu dùng ở Indonesia tăng cao hơn nữa, làm ảnh hưởng đến sức mua của các hộ gia đình.
Cho đến nay, chính phủ đã tăng trợ cấp nhiên liệu và can thiệp vào giá dầu ăn. Vào tháng 4 và 5/2022, Indonesia áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đối với các sản phẩm dầu cọ thô và tinh chế trong 3 tuần sau nhiều tháng thiếu hụt dầu ăn ở thị trường trong nước. Sự khan hiếm đã dẫn đến giá cả hàng hóa tăng mạnh và tác động lớn đến giá lương thực.
Lãi suất dự kiến tăng
Để duy trì ổn định nền kinh tế trong thời kỳ đại dịch, Ngân hàng Trung ương Indonesia đã hạ tổng cộng 150 điểm cơ bản lãi suất kể từ đầu năm 2020, xuống còn 3,5%. Tuy nhiên, tháng 6/2022, lạm phát đã tăng lên 4,35% (3,55% trong tháng 5), vượt qua mức mục tiêu là từ 2-4%.
Do đó, các nhà phân tích kỳ vọng Ngân hàng Trung ương sẽ tăng lãi suất chuẩn trong những tháng tới.
Một lý do khác cho việc tăng lãi suất là lo ngại về sự ổn định của đồng Rupiah và dòng vốn chảy ra, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất kể từ tháng 3/2022. Chênh lệch lãi suất thực giữa Indonesia và Mỹ thu hẹp đã gây áp lực giảm đồng Rupiah so với USD.
Các biện pháp tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế
Chính phủ Indonesia đã bỏ giới hạn thâm hụt ngân sách theo Hiến pháp là 3% GDP cho giai đoạn 2020-2022 và phân bổ các biện pháp kích thích lớn để hỗ trợ nền kinh tế.
Với việc dỡ bỏ các hạn chế và sự phục hồi của ngành du lịch, phân khúc này sẽ tăng 8% mỗi năm vào năm 2022 và năm 2023. (Nguồn: istock) |
Các biện pháp chính bao gồm chi tiêu chăm sóc sức khỏe cao hơn, hỗ trợ an sinh xã hội, cắt giảm thuế doanh nghiệp, tái cơ cấu tín dụng, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát tiền mặt cho người nghèo và người lao động trong khu vực phi chính thức (khoảng 70 triệu trong tổng dân số 270 triệu) và mở rộng các dự án khu vực công.
Những khoản chi lớn đó đã dẫn đến thâm hụt tài khóa là 6,2% GDP vào năm 2020 và 4,6% GDP vào năm 2021. Năm 2022, thâm hụt tài khóa dự kiến giảm, phần nào do tăng trưởng kinh tế cao hơn, xuống còn 3,4% GDP. Nợ công sẽ tăng lên 45% GDP (năm 2019 là 35% GDP).
Với tốc độ này, ngân sách của chính phủ Indonesia vẫn có thể kiểm soát được, một phần do thâm hụt ngân sách hằng năm trước đại dịch ở mức thấp.
Tuy nhiên, tình trạng thu thuế thấp kéo dài, trợ cấp và sự kém hiệu quả trong giải ngân ngân sách vẫn là những vấn đề khiến chính phủ đau đầu.
Thay đổi dự báo hiệu suất một số ngành công nghiệp chính
Do sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và sự phục hồi của một số ngành chủ chốt, gần đây, các nhà phân tích đã điều chỉnh hiệu quả hoạt động kinh doanh và tình hình rủi ro tín dụng của một số ngành.
Theo đó, ngành công nghệ thông tin truyền thông bị hạ từ mức “Khá” xuống “Kém”, còn lĩnh vực kim loại, thép, khai thác và dịch vụ được nâng lên mức “Khá” từ “Kém”.
Sản lượng kim loại và thép dự kiến tăng hơn 10% vào năm 2022. Tăng trưởng chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ từ ngành xây dựng, được dự báo sẽ tăng khoảng 12% trong năm nay.
Do các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại, nhiều phân khúc dịch vụ của Indonesia bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là những phân khúc liên quan đến du lịch như khách sạn, nhà hàng, quán bar, sự kiện giải trí và văn hóa.
Với việc dỡ bỏ các hạn chế và sự phục hồi của ngành du lịch, phân khúc này sẽ tăng 8% mỗi năm vào năm 2022 và năm 2023.
Rủi ro treo lơ lửng
Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro đối với sự phục hồi đang diễn ra ở Indonesia. Đó là giá lương thực, năng lượng tiếp tục tăng và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, hay nỗi lo về sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc.
Ngoài ra, việc thắt chặt quá mức chính sách tiền tệ toàn cầu, đặc biệt là ở Mỹ, có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế và tỷ giá hối đoái của Indonesia.
Mức nợ nước ngoài của nước này tính theo GDP dường như có thể kiểm soát được (ở mức 37% GDP vào năm 2022). Nợ nước ngoài liên quan đến xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm từ 216% năm 2020 xuống còn 167% năm 2021, do xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, vị thế đối ngoại của Indonesia vẫn dễ bị tổn thương, do phụ thuộc nhiều vào danh mục đầu tư để tài trợ cho thâm hụt tài khoản vãng lai dai dẳng, tài sản nước ngoài khá thấp và cơ cấu chủ nợ nước ngoài không thuận lợi (gần 85% là chủ nợ tư nhân).
Các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ hơn 30% trái phiếu chính phủ của Indonesia, một tỷ lệ lớn hơn so với các quốc gia khác trong khu vực. Điều này khiến nền kinh tế dễ bị ảnh hưởng bởi dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi giảm mạnh.
Trong một kịch bản như vậy, các công ty Indonesia đã vay bằng ngoại tệ mà không phòng ngừa rủi ro tiền tệ có thể gặp vấn đề với nghĩa vụ trả nợ, đặc biệt nếu đồng Rupiah giảm giá mạnh so với USD.
Tuy nhiên, cần phải nói rằng, tính dễ bị tổn thương của Indonesia đối với sự thay đổi trong tâm lý nhà đầu tư được giảm bớt nhờ các chính sách tiền tệ lành mạnh, khu vực ngân hàng linh hoạt và thực tế là một phần lớn nợ công nước ngoài là dài hạn.
| Phục hồi du lịch Đông Nam Á: Những ‘điểm sáng’ đầu tiên Sáu tháng đầu năm 2022, lượng du khách quốc tế đến một số quốc gia Đông Nam Á gia tăng mạnh mẽ. Tuy nhiên, con ... |
| Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20, Mỹ-Trung Quốc điện đàm về chuỗi cung ứng, Nga thông qua hai dự luật đặc biệt, khủng hoảng ... |