Husnul Khotimah Tuban là trường hợp điển hình tại Indonesia có chồng bị kết án tù vì tham gia vào hoạt động “thánh chiến Hồi giáo cực đoan”. Gánh vác vai trò trụ cột chính trong gia đình, hàng ngày cô phải bươn chải kiếm sống dựa vào sạp hàng nhỏ bán giày dép và đồ chơi ven đường.
Trước đây, kinh doanh là điều khá mới mẻ đối với Tuban nhưng giờ đây, công việc buôn bán của Tuban phát đạt hơn rất nhiều sau khi tham dự khóa đào tạo nghề nghiệp do Đại học Indonesia tổ chức. Cô trở nên dạn dĩ và tự tin hơn trong cuộc sống để giúp đỡ người chồng tái hòa nhập với xã hội sau khi mãn hạn tù.
Người vợ là chỗ dựa duy nhất cho con cái và người chồng sau khi trở về từ nhà tù. |
Vốn là quốc gia có số dân theo Hồi giáo đông nhất trên thế giới nên chủ nghĩa thánh chiến cực đoan (Jihadism) có cơ hội "ăn sâu bám rễ" và lan nhanh tại nhiều gia đình ở Indonesia, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội của quốc gia này. Nhiều người vợ của các chiến binh Hồi giáo phải đối mặt với áp lực nặng nề khi vừa gánh vác bổn phận chăm sóc con cái, vừa phải "đứng mũi chịu sào" khi thiếu vắng bàn tay người chồng. Con cái của họ cũng luôn sống trong mặc cảm và gặp không ít trở ngại trên con đường tiến thân về sau.
Thời gian qua, bên cạnh việc chống lại phong trào Hồi giáo cực đoan, Chính phủ Indonesia cũng nỗ lực giúp đỡ gia đình các phần tử thánh chiến tái hòa nhập với cộng đồng. Một trong những hoạt động đáng chú ý là hỗ trợ và hướng nghiệp cho vợ của những phần tử thánh chiến, giúp họ xây dựng cuộc sống tích cực, xa rời chủ nghĩa cực đoan.
Giúp làm lại cuộc đời
Từ năm 2015, Trung tâm Nghiên cứu An Ninh của Đại học Indonesia đã thực hiện nhiều chương trình tư vấn và đào tạo kinh doanh miễn phí cho 18 người vợ của các tù nhân thánh chiến, thu được nhiều kết quả thành công.
Một cơ quan phi chính phủ khác là Viện Xây dựng Hòa bình Quốc tế Indonesia cũng có những chương trình hỗ trợ tương tự kèm thêm các hình thức cho vay vốn khác nhau, đặc biệt chú trọng vào những phụ nữ có chồng trở về từ các trại giam. Hiện chương trình này đã giúp nhiều gia đình cải thiện cuộc sống cũng như giúp nhiều chiến binh thánh chiến làm lại cuộc đời.
Từng là một cựu phần tử khủng bố khét tiếng thuộc tổ chức Al Qaeda tại Đông Nam Á, anh Nasir Abas hiện đã hoàn lương và là một trong những thành viên chủ chốt thuộc chương trình xã hội của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Indonesia. Anh hiện là cố vấn thường xuyên cho Chính phủ Indonesia về các biện pháp chống khủng bố.
Anh Abas cho biết, người phụ nữ trong các gia đình Hồi giáo thánh chiến thường đóng vai trò mắt xích trong cuộc chiến chống khủng bố. Người vợ sẽ là chỗ dựa tinh thần cho những phạm nhân này khi trở về nhà, giúp động viên họ tái hòa nhập cộng đồng.
Phụ nữ sống trong các gia đình thánh chiến luôn chịu mọi thiệt thòi trong im lặng. (Nguồn: New York Times) |
Bà Judith Jacob, nhà nghiên cứu tại Trường Kinh tế London cho rằng, gia đình là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với các mạng lưới chiến binh Hồi giáo ở Indonesia. Gia đình có thể là nơi bùng phát chủ nghĩa cực đoan nhưng cũng có thể là nơi duy nhất giúp các chiến binh thánh chiến hoàn lương.
Dete Aliah, Giám đốc điều hành Cơ quan Hòa bình Quốc tế cho hay, so với nam giới, phụ nữ đáng tin cậy hơn rất nhiều. Ông đã tiến hành phỏng vấn 60 người vợ của các phần tử khủng bố đang bị giam giữ. Kết quả cho thấy 85% trong số họ đều mong muốn chồng hoàn lương.
Nhiều thách thức
Dù vậy, cả hai dự án trên vẫn đang vấp phải nhiều hạn chế. Chính phủ chưa tạo được niềm tin nhất định nơi các tù nhân thánh chiến khi phần lớn vẫn còn tâm lý e ngại những biện pháp cứng rắn mà Chính phủ đã làm trước đây.
Nguồn kinh phí cho các dự án cũng trở thành vấn đề nan giản khi nhiều nhà tài trợ còn đắn đo về tính khả thi của dự án. Nhiều người cho rằng các nguồn kinh phí tư nhân sẽ dễ dàng dính líu đến các tổ chức khủng bố với nhiều hình thức tinh vi hơn.
Indonesia cũng không phải là quốc gia đầu tiên đưa ra những biện pháp nhằm giúp các phần tử Hồi giáo cực đoan tái hòa nhập cộng đồng. Tại Đức, Viện Nghiên cứu về các vấn đề Khủng bố và Chống Khủng bố thường xuyên có những biện pháp nhằm cảnh giác các bà mẹ sớm ngăn ngừa những thanh thiếu niên có xu hướng bộc lộ sự ủng hộ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Tổ chức Phụ nữ không biên giới của Áo cũng điều hành một loạt khóa học cho các bà mẹ phát hiện và kiềm chế các dấu hiệu cực đoan ở những người trẻ tuổi trong cộng đồng.
Các chuyên gia xã hội nhận định, ở thời điểm hiện tại, cuộc chiến tâm lý chính là biện pháp duy nhất để loại bỏ thành công chủ nghĩa cực đoan ra khỏi xã hội.