Sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Joko Widodo với Quốc vương Salman ngày 1/3, hai bên đã ký kết 11 biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác. Trong số các MoU, có một thỏa thuận được ký bởi Quỹ Phát triển Saudi Arabia và Bộ Tài chính nhất trí dành 1 tỉ USD để tài trợ cho các dự án phát triển ở Indonesia. Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, Retno Marsudi cho biết quỹ này có thể được phân bổ cho các dự án của chính phủ, bao gồm cả những dự án liên quan đến cơ sở hạ tầng và cải thiện điều kiện vệ sinh.
10 thỏa thuận khác nhằm vào việc cải thiện quan hệ giữa hai nước trong các vấn đề Hồi giáo, thông tin, giáo dục, y tế, các vấn đề hàng hải và thủy sản, các vấn đề quốc tế, hàng không, khoa học, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tội phạm xuyên quốc gia.
Tuy nhiên, bất chấp sự mong đợi của Chính phủ Indonesia, đã không có bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết liên quan đến đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Trong khi đó, Saudi Arabia đã được hưởng lợi từ một số lượng lớn người Indonesia đi du lịch và hành hương mỗi năm đến nước này.
Quốc vương Saudi Arabia Salman và Tổng thống Indonesia Joko Widodo. (Nguồn: AP) |
Tổng thống Widodo cũng hoan nghênh việc ký kết thỏa thuận đầu tư nhà máy lọc dầu ở Cilacap, Trung Java trị giá 6 tỷ USD giữa Công ty Dầu khí Quốc gia Saudi Arabia, Aramco và Công ty Năng lượng Nhà nước Indonesia, Pertamina. Ngoài ra, Tổng thống Widodo cũng đưa ra một số dự án mong muốn Saudi Arabia tài trợ, trong đó có kế hoạch xây dựng nhà máy lọc dầu ở Dumai, Riau, Balongan ở Tây Java và Bontang ở Đông Kalimantan. Tuy nhiên, Saudi Arabia đã không đưa ra cam kết nào về vấn đề này và các quan chức 2 nước dự kiến sẽ thảo luận về các chi tiết của dự án trong tương lai.
Indonesia cũng giới thiệu về các cơ hội tài trợ cho một nhà máy nhiệt điện ở Jambi, cũng như các dự án cơ sở hạ tầng khác cho nguồn nước, vệ sinh và nhà ở. Thời gian qua, quan hệ kinh tế và thương mại giữa Indonesia và Saudi Arabia vẫn còn ở mức khiêm tốn, đáng chú ý là kim ngạch trao đổi giữa hai bên đã giảm tới 36% trong năm 2014 và năm 2015. Theo số liệu từ Ban Điều phối Đầu tư (BKPM), năm 2016, đầu tư trực tiếp từ Saudi Arabia vào Indonesia chỉ đạt khoảng 900.000 USD, trong khi con số này của năm 2015 là 30 triệu USD.