Công nghiệp thép nội địa sẽ được Indonesia bảo hộ từ ngày 1/4/2009. |
Xuất khẩu tụt dốc
Suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu tác động tới xuất khẩu của Indonesia trong những tháng cuối năm 2008, khi mà kim ngạch xuất khẩu tháng 10 giảm tới 11% so với tháng trước đó. Các nhà kinh tế dự đoán vào giữa năm nay Indonesia sẽ cảm nhận đầy đủ nhất tác động của suy thoái toàn cầu và triển vọng xuất khẩu năm nay sẽ u ám hơn năm ngoái, bằng chứng là xuất khẩu phi dầu lửa trong tháng 1 giảm tới 46%.
Động lực chính cho tăng trưởng xuất khẩu của Indonesia trong 2 năm qua là xuất khẩu hàng tiêu dùng, cũng đổi chiều quá nhanh chóng, giá hàng xuất khẩu giảm tới 40-50%, và xu hướng này được dự tính sẽ tiếp tục trong năm 2009.
Việc xuất khẩu một số sản phẩm yêu cầu tay nghề cao, máy cơ khí và đồ điện trong năm qua vẫn tăng trưởng tương đối tốt nhờ việc chuyên môn hóa gia tăng trong khu vực, tuy nhiên, sang năm 2009, lĩnh vực này cũng sẽ giảm mạnh vì xuất khẩu thành phẩm từ các nước châu Á sang Mỹ và Liên minh châu Âu cũng được dự báo sẽ giảm mạnh do các nền kinh tế này đều bị suy thoái.
Một lĩnh vực sản xuất khác của Indonesia sẽ bị mất khả năng cạnh tranh là hàng dệt may. Trong thập niên 1990, ngành dệt may đã từng là điểm sáng cùng với dòng đầu tư nước ngoài tăng mạnh từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Thậm chí ngay cả sau cuộc khủng hoảng 1997-1998, ngành dệt may vẫn tăng trưởng ở mức hai con số. Nhưng hiện tại đang khủng hoảng do thiếu đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ, lại thêm cơ sở hạ tầng xuống cấp và phải cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc và Việt Nam.
Tất cả những số liệu này cho thấy rõ đà suy giảm xuất khẩu sẽ tiếp tục trong những tháng tới khi kinh tế thế giới vẫn tiếp tục xấu đi. Mới đây, Bộ Nhân lực và Di trú Indonesia công bố, từ tháng 9/2008 đến 23/1/2009 trên toàn quốc đã có 27.578 công nhân bị mất việc, riêng các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu đã sa thải 24.790 công nhân và dự kiến sẽ sa thải thêm 25.000 công nhân trong những tháng tới.
Quốc sách là bảo hộ?
Trên là những lý do khiến xảy ra vụ tranh cãi hồi tuần trước, giữa Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia xung quanh vấn đề bảo hộ hàng nội địa.
Ông Bộ trưởng Công nghiệp Fahmi Idris thì nói: đang hoàn tất quy định về việc sử dụng hàng nội địa, trong đó, yêu cầu công chức nhà nước sử dụng giày dép, quần áo... sản xuất trong nước. Quy định này sẽ bổ sung cho sắc lệnh sẽ ban hành cuối tháng này của Tổng thống nhằm bảo hộ nền công nghiệp trong nước. Theo đó, các cơ quan nhà nước được khuyến khích dùng ngân sách chi trả cho các sản phẩm và dịch vụ trong nước. Còn Bà Bộ trưởng Thương mại Mari Pangestu, thì bị ám chỉ đã cản trở những nỗ lực bảo hộ nền công nghiệp trong nước trước bối cảnh khó khăn này.
Không chỉ có thế, Indonesia cũng đã bắt đầu có những đối xử mới đối với hàng hóa nhập khẩu, để bảo hộ hàng nội địa đang chịu áp lực cạnh tranh từ bên ngoài, thép là sẽ là mặt hàng đầu tiên được thí điểm. Theo đó, từ ngày 1/4, các nhà nhập khẩu thép phải xin giấy chứng nhận và phải báo cáo lên cán bộ thuế quan về nhu cầu mặt hàng thép trước khi nhập nhẩu.
Cùng với động tác trên, một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang được dự thảo. Mặc dù chi tiết của các biện pháp trợ giúp vẫn chưa hoàn thành, nhưng được tiết lộ, có thể dưới dạng hỗ trợ thanh toán nợ, đào tạo lao động bị mất việc làm, bảo hộ thuế quan và trợ cấp vốn sản xuất.
Minh Anh